Người ta có thể bỏ qua việc bị vợ hoặc chồng xúc phạm mình nhưng rất khó quên nếu "nửa kia" buông lời lăng mạ cha mẹ, nhất là khi việc này lặp lại nhiều lần.
Người ta có thể chịu đựng nhiều sóng gió lớn lao để duy trì gia đình nhưng có khi lại đưa ra tờ đơn ly hôn chỉ vì những lý do mà người ngoài nghĩ là "bé như con kiến":
- Thiếu sự gần gũi chăn gối trong một thời gian dài. Trước đây, các bà vợ thường ngại đề cập đến vấn đề này nhưng giờ đây cả chồng lẫn vợ đều xem đây là một lý do có nguy cơ dẫn đến đổ vỡ rất cao.
- Một trong hai người hoặc cả hai sẵn sàng "nồi điên" trong các cuộc tranh cãi, sẵn sàng xúc phạm người kia và cảm thấy được thỏa mãn khi "một nửa" của mình bị tổn thương.
- ngoại tình: Lần đầu phát hiện bạn đời "vượt rào", một số người chồng hoặc vợ có thể tha thứ để cứu vãn gia dình. Nhưng nếu điều đó lặp đi lặp lại, người bị phản bội sẽ luôn nghĩ tới việc ra đi.
- Không trung thực. Vì nhiều lý do, một trong cả hai liên tục nói dối khiến cho niềm tin lẫn nhau bị đổ vỡ nghiêm trọng. Từ việc không tin tưởng, họ không thể chia sẻ với nhau nhiều vấn đề trong cuộc sống khiến khoảng cách giữa vợ chồng càng xa.
- Không to tiếng lấn át nhưng tỏ ra coi thường, không chú ý tới ý kiến bạn đời. Đàn ông thường bị kết tội này nhưng những phụ nữ nắm quyền về kinh tế trong gia đình cũng hay mắc phải. Người không được tôn trọng sẽ cảm thấy mình là "người thừa" và có thể nghĩ tới việc rời bỏ gia đình nếu có ai đó thì thầm vào tai: "Với thế giới có thể anh/em không là gì nhưng với tôi, em/anh là cả thế giới".
- Dồn hết gánh nặng chi tiêu trong gia đình lên vai người vợ. Ở xã hội Á Đông, đàn ông vẫn chấp nhận là trụ cột kiếm tiền nhưng nếu chồng làm việc cật lực mà vợ tiêu xài phung phí cũng dễ khiến ông chồng nổi cáu. Còn nếu người phụ nữ phải gánh trách nhiệm nuôi cả gia đình mới thực sự là bi kịch: Họ sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi, cô độc và dù nhẫn nhịn tới đâu cũng có lúc không khỏi ấm ức, coi thường chồng mình.
(Theo Thanh Niên