Nếu từng đổ vỡ trong hôn nhân, bạn sẽ e ngại việc đi bước nữa. Nhưng rõ ràng, chúng ta khó có thể sống một mình đến cuối đời. Hãy ghi nhớ những điều dưới đây để cuộc tái hôn của bạn được tốt đẹp.
Sau khi ly hôn, sẽ phải mất một thời gian dài, bạn mới có thể ổn định lại cuộc sống của mình. Và tất nhiên, khi bạn có ý định tái hôn, bạn sẽ phải tiếp tục mất một khoảng thời gian nữa để cân bằng được tâm lý. Bạn đừng quá lo lắng với cuộc hôn nhân sau này và chỉ cần giải quyết ổn thỏa các vấn đề này mà thôi:
Đừng căng thẳng với vợ cũ hoặc chồng cũ của bạn đời
Bạn cần hiểu rằng mẹ ruột hoặc cha ruột của chúng vẫn còn trách nhiệm trong việc kiểm soát con họ cho tới khi bạn và con riêng thiết lập được mối quan hệ tốt đẹp. Vì thế, bạn cũng nên thông báo đầy đủ tình hình sinh hoạt và học tập cho mẹ hoặc bố của chúng biết. Đừng bao giờ tỏ vẻ khó chịu khi họ thăm con cái của mình. Nếu bạn có mối quan hệ gần gũi với vợ cũ hoặc chồng cũ của người bạn đời, bạn có thể hỏi họ về sở thích ăn uống, vui chơi của đứa trẻ cũng như của người bạn đời mà bạn đang chung sống. Hãy rút ra kinh nghiệm từ những sai lầm của cuộc hôn nhân trước để cuộc hôn nhân tiếp theo hoàn hảo hơn.
Thể hiện tình cảm vợ chồng
Khi mới kết hôn, tình cảm vẫn còn mặn nồng, bạn và anh ấy thích thể hiện sự âu yếm, vuốt ve. Tuy nhiên, bạn cần đặc biệt chú ý khi thể hiện tình cảm trước mặt các con. Những trẻ còn nhỏ dễ có cảm giác không còn được thương yêu vì thấy mẹ dành nhiều thời gian cho chồng hoặc vợ mới. Thiếu niên (13-17 tuổi) rất nhạy cảm với vấn đề tình cảm và giới tính nên sẽ không thoải mái khi hai bạn thể hiện tình cảm. Chính vì vậy, cần thể hiện tình cảm nhưng thật tế nhị và riêng tư để không làm mọi người khó xử.
Thống nhất việc nuôi dưỡng và chăm sóc các con
Việc tạo dựng một gia đình chắp nối với con anh-con em-con chúng ta khi chúng còn nhỏ có thể dễ dàng hơn so với những đứa trẻ ở tuổi thanh thiếu niên. Bạn nên thảo luận việc nuôi nấng con riêng của chồng mới cũng như bàn bạc kỹ những vấn đề liên quan. Đồng thời, bố mẹ cũng nên chia sẻ, tâm sự, gần gũi với những đứa trẻ và để chúng làm quen với nhau, yêu thương nhau như một gia đình. Cố gắng cảm nhận và tìm hiểu về mâu thuẫn của bọn trẻ để tránh xung đột. Điều này sẽ khiến vợ chồng bạn yên ấm và hạnh phúc hơn.
Dứt khoát với người cũ
Tái hôn mang lại cho bạn niềm vui mới nhưng cũng có thể làm bùng phát cơn giận của người cũ hay những đứa trẻ. Chẳng hạn, khi nghe tin bố hoặc mẹ sắp tái hôn, con cái sẽ cảm thấy hụt hẫng. Một số người tức giận khi vợ cũ tái hôn và tìm cách phá vỡ. Do đó, bạn cần khéo léo giải quyết vấn đề tình cảm của cuộc hôn nhân cũ cho êm đẹp trước khi tiến đến người mới.
Chăm sóc con riêng của chồng/vợ
Bạn cần hiểu tâm lý và tạo dựng quan hệ với con riêng của anh ấy/cô ấy. Hãy nghĩ đến cảm nhận của đứa trẻ khi phải tiếp nhận một người mới trong gia đình của chúng. Đừng vội áp đặt bất cứ điều gì mà đầu tiên, hãy trở thành bạn bè của chúng đã. Khi bạn vui vẻ và thấu hiểu bọn trẻ, chúng cũng sẽ dễ chấp nhận và yêu thương, gần gũi với bạn hơn. Bạn cần phải thật công bằng giữa con chung và con riêng, thậm chí bạn phải dành tình thương nhiều hơn cho con riêng của anh ấy/cô ấy vì chúng là những đứa trẻ đáng thương. Điều này rất quan trọng đối với gia đình mới của bạn nhưng không đến nỗi quá khó khăn khiến chúng ta không làm được.
Làm cầu nối cho anh ấy/cô ấy với con của bạn
Lấy lòng một đứa trẻ có khi rất khó khăn vì thế, chúng ta cần giúp người bạn đời mới của mình gần gũi với những đứa con của vợ/hoặc chồng. Bạn hãy tạo không gian để anh ấy/cô ấy và con cùng tìm hiểu nhau. Một chuyến dã ngoại ngoài trời, đi du lịch cuối tuần hoặc đơn giản là một bữa cơm ấm áp thôi cũng tạo cho họ thật nhiều cơ hội rồi. Hãy để trẻ có cảm giác anh ấy/cô ấy là chỗ dựa cho mẹ con/bố con bạn thay vì suy nghĩ bạn chẳng còn quan tâm đến các con kể từ khi có người mới...