Có những cặp yêu nhau vô cùng nhưng rồi trở nên chán nhau, mỗi khi có chuyện bất hòa là không thể dàn xếp nổi.
Đàn ông thường đưa ra những giải pháp và “lơ” đi cảm xúc của đối phương trong khi phụ nữ lại tìm cách “cải tạo” đàn ông bằng cách đưa ra những lời bình phẩm, chỉ trích hoặc lời khuyên. Hiểu được những sai lầm thuộc về bản chất giới tính sẽ khiến các cặp đôi có những cách hành xử đúng đắn hơn…
Dị biệt phái tính
Mọi xích mích, bất hòa thậm chí có khi tình yêu lứa đôi bị biến thành một cuộc đấu tranh, đều xuất phát từ sự không hiểu nhau. Đơn giản bởi họ thuộc hai giới tính khác hẳn nhau cả trong cách giao tiếp, cảm xúc, tư duy, sự quan sát, yêu mến và khác nhau cả trong cách phản ứng trước mỗi vấn đề.
Theo phân tích của các nhà tâm lý, đàn ông thường đánh giá cao sức mạnh, năng lực, thành tích nên họ luôn tìm mọi cách để chứng tỏ sức mạnh cũng như khả năng của bản thân. Họ tập trung nhiều đến đối tượng, sự việc hơn là đến cảm xúc. Điều khiến họ không chấp nhận được ở phụ nữ là phụ nữ luôn muốn thay đổi tính cách, cải tạo họ. Trong mọi trường hợp, mọi cơ hội, đàn ông rất ghét bị biến thành trung tâm chú ý để nửa kia chỉ bảo nên làm thế này hay không nên làm thế kia. Việc “chỉ bảo” này thực chất là xuất phát từ sự yêu thương của người phụ nữ, muốn một nửa của mình được tiến bộ hơn, nhưng thực tế chúng lại có tác dụng ngược với mong muốn của phụ nữ, nó khiến những người đàn ông có cảm giác bị sai khiến. Điều mà họ không bao giờ thích và chấp nhận.
Theo các chuyên gia tâm lý, với phái mạnh, việc tiến tới mục tiêu và gặt hái được thành công là điều tối quan trọng với họ, đó là cách họ chứng tỏ khả năng của bản thân và làm nên niềm tự hào. Họ rất kiêu hãnh khi đạt được mục đích bằng chính khả năng của mình và tính độc lập ở mỗi người là biểu hiện của nội lực, khả năng của người đó. Đặc tính này khiến họ không thích bị “chỉ bảo”, chỉ trích và không thích bị buộc phải nghe theo “đối phương”. Chuyên gia tâm lý Lê Thu Hiền (Trung tâm tư vấn Người bạn tri kỷ) cho hay, tâm lý đàn ông rất nhạy cảm về vấn đề này bởi đối với họ năng lực bản thân là điều cực kỳ quan trọng. Vì thế, nếu đưa ra lời “chỉ bảo” sẽ khiến họ nghĩ đó là thông điệp: Anh chẳng biết gì cả hoặc anh không thể làm nổi việc đó mà không có sự giúp đỡ của người khác.
Cũng vì tâm lý thích giải quyết mọi việc nên đàn ông thường ít khi thể hiện hoặc nói ra nỗi lo âu, khó khăn với vợ vì họ quan niệm như vậy là yếu đuối. Nhưng đến khi cần một sự tư vấn hay trợ giúp thực sự thì họ lại cũng không mấy khi nói với vợ mà thường tìm đến một người mà họ thực sự kính trọng. Thói quen luôn đưa ra giải pháp một cách rất nhanh trước bất kỳ một sự việc nào đó khiến đàn ông cũng thường đưa ngay ra giải pháp mỗi khi nghe vợ kể lể, than phiền nỗi lòng thay vì chỉ cần phải lắng nghe và an ủi. tâm lý độc lập, thích giải quyết vấn đề khiến họ nghĩ rằng việc đưa ra các giải pháp là để giúp một nửa của mình giải quyết được vấn đề, là một trong những điều thể hiện sự quan tâm, thể hiện tình yêu với nửa kia. Nhưng trong những trường hợp này, tác dụng lại bị ngược, người phụ nữ cảm thấy tình hình tệ hại hơn khi người chồng không những không vỗ về, an ủi họ, lơ đi cảm xúc của họ và đưa ra những giải pháp một cách khô khan.
Kiềm chế lời khuyên
Những cách tiếp nhận, xử lý tình huống và mong muốn phản hồi khác nhau giữa hai giới khiến mâu thuẫn phát sinh. Và khi người đàn ông đưa ra những giải pháp bị phụ nữ từ chối, không nghe theo thì lập tức họ lại cảm thấy mình trở nên vô dụng và càng khó mà trải lòng để lắng nghe sự thổ lộ của người vợ. Thực ra, phụ nữ trải lòng thổ lộ điều gì đó không có nghĩa là họ cần lời khuyên mà họ chỉ cần được lắng nghe, được thông cảm và được an ủi mà thôi.
Đối với phụ nữ, việc chứng tỏ khả năng bản thân không phải là điều gì ghê gớm như với đàn ông nên họ không phản đối khi được trợ giúp. Họ quan niệm, việc khuyên bảo và trợ giúp là biểu hiện của tình yêu thương. Điều này ngược hẳn với tâm lý của đàn ông nên thường hay gây sự xung đột giữa hai người. Người phụ nữ thường không hiểu rằng việc đưa ra lời khuyên của mình với dụng ý giúp đỡ chồng, mong chồng thành công hơn lại chính là mũi tên ngược khiến người chồng phản ứng, bởi đàn ông cho rằng người vợ không tin tưởng mình có khả năng tự giải quyết công việc, gây mặc cảm yếu kém trước mặt vợ. Đó là điều tối kỵ của đàn ông. phụ nữ cũng thường không hiểu việc đạt được mục đích dù là nhỏ, quan trọng thế nào với đàn ông nên họ thường hay mắc sai lầm khi thường xuyên đưa ra những lời khuyên, lời “chỉ bảo”. Nhất là với những người đàn ông thường bị cha mẹ chỉ trích khi còn nhỏ sẽ càng dễ gây tâm lý tự ái, tổn thương và anh ta sẽ phản ứng lại một cách mạnh mẽ với nửa kia.
Chuyên gia tâm lý Thu Hiền khuyên rằng, phụ nữ hãy “kiềm chế” bớt những lời khuyên, lời “chỉ bảo” đối với nửa kia của mình, kể cả trong những việc nhỏ nhặt như đi đường nào cho gần nhất. Sự thất bại trong những công việc gọi là nhỏ nhặt đó sẽ khiến nhiều người đàn ông có tâm lý: Việc nhỏ còn làm không xong thì làm sao tạo uy với vợ ở những việc lớn. Những lúc như vậy mà người vợ còn đưa ra lời khuyên hoặc lời chỉ bảo thì đúng là thảm họa. Thực chất, đàn ông cần sự chấp nhận của người vợ hơn là những lời giáo huấn. Khi đàn ông không bị cảm giác vợ muốn cải tạo mình thì có thể lúc đó chính họ sẽ chủ động đưa ra đề nghị yêu cầu vợ góp ý.
Theo các chuyên gia tâm lý, để tránh xung đột do sự khác nhau về bản chất giới tính, đàn ông nên bớt đưa ra những giải pháp nhất là khi nửa kia đang trong trạng thái bực bội hoặc buồn phiền, mà hãy lắng nghe, an ủi và cảm thông khi người vợ thổ lộ nỗi lòng. Chỉ như vậy cũng đủ để khiến người vợ cảm thấy yên tâm tựa vào bờ vai người chồng mỗi khi buồn phiền. Chỉ khi người vợ cảm thấy dễ chịu hơn và muốn được chồng đưa ra giải pháp thì lúc ấy các đấng mày râu mới nên thể hiện bản chất luôn đưa giải pháp giải quyết vấn đề của mình.
Cách hạ hỏa cơn nóng giận
Theo chuyên gia tâm lý, sự bực bội, bất mãn khiến chúng ta khó lòng mà giao tiếp với thái độ nhẹ nhàng. Lúc cảm xúc tiêu cực ngập trong cơ thể thì dường như tất cả tình cảm yêu thương, quý mến, sự tôn trọng biến mất, chỉ còn lại tâm trí bị dựng ngược lên, nhảy bổ vào nửa kia. Những lúc như vậy, dường như chẳng ai còn nhớ gì về những hình ảnh lãng mạn, những giây phút tình yêu thương dâng ngập trong tim.
Trong giây phút xung đột, khủng hoảng gia đình, người vợ đổ lỗi cho người chồng, đay nghiến một cách dai dẳng. Bao điều tốt đẹp mà người chồng làm cho người vợ, làm cho gia đình lập tức biến mất, người vợ chỉ nhìn được những tật xấu, những lỗi lầm của chồng và lôi ra đay nghiến, than thân trách phận. Sự chỉ trích dai dẳng khiến người đàn ông ban đầu cảm thấy tội lỗi nhưng rồi dần dẫn đến sự cùn cáu, xét nét vợ. Cơn nóng giận đã khiến cả hai người không nhận ra thái độ sai lầm của mình đã gây tổn hại đến người bạn đời ghê gớm như thế nào.
Chỉ có sự thấu hiểu và ghi nhớ những điểm khác biệt giữa đàn ông và phụ nữ mới khiến người ta biết cách nuôi dưỡng tình yêu. Và khi đã hiểu bản chất giới tính của nửa kia thì khi ấy, ta sẽ thấy việc giữ hòa khí, nuôi dưỡng sự yên ấm trong gia đình không đến nỗi là món quà xa xỉ như nhiều người lầm tưởng.
Tags: