Đang êm thấm, bỗng nhiên người phụ nữ hoang mang, lo lắng khi người đàn ông của đời mình tỏ ra hờ hững.
Những cặp đôi khôn ngoan thì trải qua được thăng trầm của tình cảm, còn ngược lại, hạnh phúc rất dễ đổ vỡ.
Nhiều phụ nữ trở nên buồn rầu, hoang mang, lo lắng không hiểu vì sao người đàn ông vốn ân cần bên mình bỗng trở nên xa cách, thờ ơ ngay cả khi chị cần anh nhất.
Theo phân tích của các nhà tâm lý: Tình trạng này diễn ra thường xuất phát từ nguyên nhân- Đó là khi chị không nhận ra dấu hiệu anh chuẩn bị "chui vào vỏ bọc" im lặng để tìm sự yên tĩnh suy nghĩ về một vấn đề rắc rối nào đó.
Ngay cả khi biết chị đang nghĩ: Chồng không thèm đoái hoài gì đến vợ, thì anh cũng mặc kệ. Hoặc khi chị mở lòng yêu anh hết mình thì trớ trêu thay, chính tình cảm quá tràn đầy ấy đã khiến anh phát hoảng... rời xa chị. Nói một cách đơn giản thì sự thân thiết quá sẽ khiến đàn ông chóng chán!!!
Điều khiến phụ nữ càng trở nên hoang mang, lo lắng khi nghi ngờ về sự xuất hiện của "kẻ thứ 3" là mỗi khi anh bàng quan, thờ ơ thì bất kỳ lời nói, cử chỉ nào của chị cũng làm anh lảng tránh. Hễ chị muốn mở lời trong tâm trạng sợ anh quay lưng thì lập tức anh quay đi luôn.
Cảm xúc là cái kéo anh lại gần chị nhưng cũng chính cảm xúc đẩy anh ra xa. Khi đã đến thời điểm của chu kỳ giãn ra thì anh sẽ như một cái máy được lập trình sẵn, tự động rời xa chị để lập lại thế cân bằng.
Các nhà tâm lý phân tích: Chu kỳ xích lại gần nhau yêu thương hay giãn ra xa là chuyện bình thường trong đời sống lứa đôi. Một khi đến thời điểm mà sự yêu thương đã tràn đầy, lên đến đỉnh điểm thì cao trào đó sẽ dần suy thoái, có thể xuống đến tận đáy cảm xúc, rồi lại lên đỉnh cao trào.
Quá trình đó cứ lặp đi lặp lại liên tục không chấm dứt với tất cả các cặp đôi. Tất cả những gì chị cần làm khi anh đến "thời khắc" thờ ơ là nén lòng chờ đến khi chu kỳ cảm xúc của anh trở lại.
Người đàn ông bỗng trở nên thờ ơ, hờ hững với bạn đời ngay cả khi họ vừa trải qua những ngày tháng mặn nồng âu yếm, thì đó là lúc họ cần "quãng nghỉ" trong chu kỳ tình cảm để lấy lại cân bằng.
Với một số trường hợp, chu kỳ tình cảm tự nhiên cũng có thể bị tắc nghẽn ngay từ khi còn nhỏ. Có thể người đàn ông này có cảm giác sợ xa cách vì hồi bé thơ anh đã tận mắt chứng kiến cha mình bị mẹ "phong tỏa cảm xúc".
Nhà tâm lý nổi tiếng thế giới John Gray đánh giá đây là típ người đàn ông yếu đuối, anh cố tỏ ra chiều chuộng và yêu thương, anh sẽ dằn vặt nếu làm điều gì không phải với chị. Anh trở nên thụ động và yếu đuối, sợ ở một mình, tận đáy lòng anh sợ mất tình yêu.
Và đương nhiên anh không hiểu được sự xa cách, giãn ra là chu kỳ bình thường trong đời sống tình cảm.
Ngược lại với típ đàn ông không nới lỏng mình, không biết cách lánh xa để cân bằng là típ đàn ông không biết làm thế nào để gần gũi bạn đời sau khi hết nhu cầu muốn xa cách.
Chuyên gia tâm lý cho rằng: Với cả hai típ người yếu đuối lẫn mạnh bạo đều đánh mất quá trình trải nghiệm của việc trải qua chu kỳ yêu thương tự nhiên. Việc hiểu được chu kỳ giãn ra đó không chỉ quan trọng đối với anh mà còn cần thiết cho chị.
Nhưng nhiều khi, ngay bản thân những người đàn ông cũng không hiểu tại sao mình hay bất thình lình lánh đi xa rồi lại đột ngột chạy về yêu thương vợ mãnh liệt.
Bản thân những người đàn ông cũng không hiểu chu kỳ bản năng ấy của mình nên càng khiến phụ nữ hoang mang, lo lắng! Nếu biết những ảnh hưởng lớn như thế, chắc hẳn anh sẽ biết quý trọng những cảm xúc của chị hơn.
Các nhà tâm lý khuyên rằng, ở thời điểm đang mặn nồng, thắm thiết, nam giới nên tranh thủ thể hiện sự ân cần, quan tâm đến cảm xúc, nhu cầu của bạn đời. Đến khi cảm thấy cần tạm chùng xuống, anh cũng nên nói để bạn đời không hoang mang, lo lắng.
Những câu nói đại loại như: Anh cần thời gian suy nghĩ giải quyết công việc, chúng ta sẽ nói chuyện sau nhé, hoặc: Anh cần một chút thời gian, chúng ta sẽ đi dã ngoại sau nhé... luôn có tác dụng làm phụ nữ yên lòng, thay vì đau đầu lo nghĩ về "kẻ thứ 3".