Làm sao để luôn duy trì được một mối quan hệ tốt, bền vững? Câu hỏi này luôn làm đau đầu nhiều người. Tuy nhiên, nếu chịu khó để ý, hẳn bạn sẽ thấy mọi chuyện không quá khó khăn.
Sau đây là các gia vị cho một mối quan hệ vững bền:
Nhiệt tình: “Sức khỏe” của một mối quan hệ có tốt và đảm bảo hay không phụ thuộc trước nhất và phần lớn vào sự nhiệt tình. Mối quan hệ sẽ khó mà tồn tại nếu một trong hai người luôn có vẻ thiếu sức sống hoặc kém nhiệt tình mỗi khi có chuyện phải nhờ đến sự trợ giúp của nhau. Tất cả những gì có thể miêu tả khi gặp trường hợp này là chán nản và mệt mỏi hoặc chịu đựng.
Sức cuốn hút/phong cách riêng: Bạn không cần phải cực xinh hay cực sành điệu như các siêu mẫu nhưng phải tạo được cho mình sức quyến rũ, hay nói cách khác là phong thái đặc trưng cho bản thân, nếu muốn mình được đối tác mến phục.
Đừng quá xuề xòa đến độ không thèm nhìn ngó gì đến bộ râu chưa cạo 3 tháng hoặc cái áo đã “diện” được hơn 1 tuần chẳng hạn. “Quần áo không làm nên thầy tu” nhưng chúng lại là phương tiện giới thiệu bạn đắc lực nhất; đó là chưa kể đến cử chỉ, điệu bộ và lời ăn tiếng nói của bạn. Đừng làm vẻ cầu kỳ, nhưng cũng đừng quá xuề xòa, hãy chừng mực. Đó là cách tốt nhất để bạn tạo sức cuốn hút với đối tác.
Kỹ năng giao tiếp: Mối quan hệ thành công cũng cần được xây dựng nền móng tốt nhờ việc biết lắng nghe và trình bày ý kiến. Tốt, xấu, khác biệt hay tương đồng, cảm xúc và những mối quan tâm cần được thảo luận cởi mở, xây dựng lẫn nhau. Chỉ khi nào bạn cảm thấy mình có thể trao đổi thẳng thắn mọi điều với đối tác, lúc đó mối quan hệ của bạn mới thật sự gọi là “mạnh khỏe”.
Chân thành: Để có được những kỹ năng giao tiếp tốt, bạn cần chân thành. Nếu không, sẽ chẳng có vấn đề nào thật sự đáng giá để thảo luận, điều này là chắc chắn.
Tình cảm thân thương: Điều tạo nên khác biệt giữa một mối quan hệ làm ăn thành công và mối quan hệ bè bạn hay tình yêu chính là tình cảm. Với quan hệ làm ăn, bạn không cần thiết phải biểu lộ tình cảm của mình để đạt được thành công; nhưng với tình bạn bè, người yêu thì tình cảm trìu mến là rất cần thiết. Trong những quan hệ dạng ấy, mỗi cá nhân cần phải biết quan tâm, lo lắng cho nhau cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Bạn cần biết đặt lợi ích của bạn bè hay người bạn đời lên trên lợi ích của bản thân.
Hòa hợp: Bạn không cần phải là cái bóng của đối tác hay bạn đời. Hai bên có thể có nhiều ý kiến, quan niệm khác nhau nhưng sau cùng vẫn cần có sự tương hợp khi đi đến kết luận.
Khả năng nhận thức: Muốn có được sự tương hợp ấy, bạn cần có mức độ nhận thức về một vấn đề tương đối gần với người bạn đời hoặc đối tác. Sẽ khó tìm được tiếng nói chung nếu một người chỉ đăm đắm vào những cuốn tiểu thuyết “rẻ tiền” hoặc không chịu cập nhật kiến thức trong khi người kia ham mê tìm tòi, tiếp thu cái hay, cái đẹp của nghệ thuật đích thực và tri thức nhân loại.
Sự chấp nhận: Chấp nhận ở đây không hàm ý tuân thủ, nghe lời. Mọi người đều có thể chấp nhận người tương đồng ý kiến với họ. Chỉ có mối quan hệ thân thương thật sự mới giúp bạn chấp nhận được người trái ý với mình. Sự chấp nhận ở đây đòi hỏi sự kính trọng và quan tâm đến nhau. Chắc chắn là bạn và người yêu hoặc bạn bè không thể luôn cùng quan điểm. Nhưng bằng sự quan tâm, nhường nhịn, bạn vẫn có thể chấp nhận vài quan điểm khác ý ấy, hoặc được tìm cách dung hòa chúng.
(Theo Tuổi Trẻ)