Mình cưới nhau đã bảy năm. Con giờ hơn sáu tuổi. Nó đã lớn rồi, anh cũng tiếc, thấy có lỗi với con và biết mình kém may mắn vì không được bên con hàng ngày, chăm con từng bữa ăn giấc ngủ, dạy con những bài học đơn giản nhất.
Mọi người nhiều khi vô tình cứ hay trêu chọc hoặc hỏi han con về chuyện của bố mẹ. Con chỉ lặng thinh. Người nào thân thuộc lắm nó mới lẩm nhẩm bảo, vẻ khó chịu: “Ông trẻ nhé, ông đừng động vào nỗi đau của cháu”. Nghe có cầm lòng được không?
Anh tự thấy mình suốt bảy năm qua không làm gì trái với lương tâm, có lỗi với vợ con, chỉ có điều do đặc thù công việc, anh luôn phải sống xa nhà. Em và con cùng thiếu thốn tình cảm, anh có hơn gì đâu, điều đó anh không hề muốn. Chỉ biết trấn an em và tự động viên mình hãy cố gắng, chờ dịp thuận tiện sẽ chuyển công tác về gần.
Em biết anh đau lòng như thế nào khi có một phụ nữ gọi điện đến nhà để chửi rủa kẻ đã cướp chồng mình không? Biết anh là chồng em, cô ta nói: “Mỗi ngày thay vì cạo râu anh hãy chịu khó ngồi mài sừng đi cho thiên hạ đỡ biết, còn không dạy được vợ thì để tôi dạy cho”.
Anh gần như phát điên khi dì anh vô tình phát hiện ra em đang “cặp” với em chồng của dì ấy. Anh ta hiện có chức có quyền, rất lợi cho công việc mà em hằng phấn đấu. Anh từng nghe phong thanh cho đến khi có chứng cớ dì mang sang tận nơi cho, đó là tin nhắn em gửi cho “bồ” bị vợ người ta bắt được.
Sau phen đó, tưởng rằng em sẽ ngại ngùng, biết lỗi mà cư xử khuôn phép hơn, vậy mà em tỏ vẻ bất cần, em tuyên bố thẳng em chẳng tha thiết gì với gia đình này, em cần người luôn ở bên lúc em cần, muốn có tiền và cả địa vị, những cái đó anh đáp ứng được không? Anh lắc đầu, em cười khẩy, nhẹ nhàng rút tờ đơn xin ly hôn viết từ bao giờ để trong ngăn kéo: “Tôi chán anh từ ngay sau đám cưới miễn cưỡng vì trót nhỡ có thằng Tèo”.
Anh choáng váng muốn khuỵu, ông bà nội thằng Tèo nghe được cũng xót xa.
Ra tòa, vì anh ở xa nên đành chấp nhận theo sự phân xử em sẽ nuôi con. Anh run run trong lòng vì sợ em sẽ “dạy” con ghét bố. Cũng may con đã lớn, có lẽ nó đã biết phân biệt phải trái, anh cầu mong là vậy.
Mỗi lần về quê, đến đón con, anh thấy con vẫn cười đùa cùng bố vui vẻ, mẹ đón còn ngoái lại nhìn bố vẻ quyến luyến, điều đó an ủi anh phần nào.
Một lần nó thắc mắc: “Bố ơi, vô trách nhiệm là thế nào ạ?”. Anh gặng hỏi thì con bảo: “Mẹ bảo bố là người vô trách nhiệm, không nuôi nấng, dạy dỗ con thì con chả việc gì phải có trách nhiệm với bố, con hỏi mẹ vô trách nhiệm là sao thì mẹ quát mắng con”. Anh thấy buồn và thương con! Anh phải như thế nào mới là có trách nhiệm với con đây?
Giỗ ông nội anh, em cho con về được một ngày rồi sang đón, mặt em nhăn lại vẻ khó chịu. Con đang ăn sáng em giục giã, quát nó ăn mau lên để về, dù anh đã từ tốn bảo con vừa cầm bát lên, để từ từ cho nó ăn đã.
Anh chỉ cố gắng làm sao để con không bị tổn thương, không tự cảm thấy bị khiếm khuyết, để con hiểu rằng cha mẹ không sống cùng nhau vì hoàn cảnh, vì bất đắc dĩ, để con thấy rằng dù có thế nào nó vẫn đủ đầy cả bố, cả mẹ.
Con rất cần được sống trong tình yêu, tâm sinh lý của con khó phát triển toàn diện được nếu bố mẹ cứ người nọ nói xấu người kia, hòng chiếm tình cảm của nó. Sẽ chẳng ai được lợi, chỉ có con là thiệt, với sự non nớt trẻ thơ thiếu định hướng, chỉ còn lại tổn thương sau cuộc chia ly của bố mẹ.
Anh hi vọng nhận được sự hợp tác từ phía em. Chẳng còn gì thì cũng còn con, đó mới là điều quan trọng nhất.