Nếu như tin vào những lời quảng cáo thuốc "chữa bạc tóc, mất ngủ, tiểu đêm, sinh lý yếu…" trên TV cùng với hình ảnh một cặp đôi hớn hở cười trong chăn sau khi uống thuốc thì trục trặc hôn nhân chẳng bao giờ là chuyện to tát cả.
Trong hôn nhân, hiện tượng người chồng bỗng nhiên bất lực là cả một tai họa không chỉ cho thân chủ mà người vợ cũng phải đối mặt với ngần ấy nỗi hoang mang và tổn thương.
Phụ nữ phải nhận một "vai" khó vì hầu như bất cứ phản ứng nào cũng bất lợi cho kẻ gặp nạn. Người nữ phải sống trong cảm xúc mâu thuẫn: vừa đổ lỗi cho mình, vừa nghi tội của anh ta. Vừa muốn tỏ thái độ thất vọng, vừa muốn kìm nén làm ngơ…
Phản ứng đầu tiên thường gặp ở chị em là giấu giếm tâm trạng khó chịu của mình, đồng thời kiểm điểm bản thân "mình đã hết hấp dẫn?", "anh ấy không cảm thấy bị kích thích bởi mình?"...
Kế tiếp họ quay ngoắt ra nghi ngờ "anh ta có tình nhân và không còn gì dành cho vợ?". Nhiều bà vợ "chuyển thể" thành ghen tuông với những câu nói mỉa mai thô thiển.
Kinh khủng nhất là lời xách mé bật lên ngay tại giường, trong lúc khỏa thân, trút lên bệnh nhân mắc chứng rối loạn cương dương.
Sau này nghĩ lại nhiều ông chồng ước luật pháp bổ sung hình phạt tù giam với những đối tượng vợ mắc tội "khủng bố tinh thần người bệnh". Bởi vì rối loạn cương dương là một bệnh.
Một phản ứng khác mà chị em cho rằng rất văn hóa đó là :im lặng giả bộ như không có gì xảy ra. Thái độ này cũng nguy hiểm ngang với thái độ dằn hắt vì cùng dẫn đến sự lảng tránh, xa lánh.
Phụ nữ phải nhận một "vai" khó vì hầu như bất cứ phản ứng nào cũng bất lợi cho kẻ gặp nạn.
Hai người cảm thấy càng ít nói chuyện, ít giao lưu thì càng tốt. Họ tự giăng một cái bẫy "tế nhị" và cùng thụt chân vào đó. Bệnh tình càng đứng im tại chỗ, nếu như không nói là càng ngày càng về 0.
Thực ra chỉ cần tìm ra nguyên nhân của bất lực đàn ông thì mối quan hệ đã nhẹ đi tới 60%. Bệnh co thắt mạch vành, tiểu đường, huyết áp, u tiền liệt tuyến, uống thuốc điều trị các bệnh trên… chỉ cần tìm ra một đầu mối.
Tìm đúng thuốc điều trị, mọi việc có thể tốt lên ngày sau một hai tuần. Thế nhưng nhiều cặp đôi để trôi đi hàng tháng vì hậm hực, mặc cảm. Thái độ ngầm tuyên chiến càng khiến "người bệnh" buông xuôi, chính anh ta lại cất lời cay cú phản pháo.
Vậy thì tiếp nhận người bệnh bất lực thế nào cho phải?
Chúng ta chỉ cần biết một thông tin: "bệnh bất lực ở đàn ông không liên quan đến phụ nữ, không có người phụ nữ nào dính líu đến chuyện này cả." Chỉ trích đàn ông là một ứng xử vô lý và không công bằng.
Giờ thì chị em còn phải qua một barie nữa - ghi nhận hiện trạng và cùng bàn bạc để giải quyết. Chỉ có điều mọi tranh luận và ý tưởng khắc phục nên "nổ" ra ngoài phạm vi phòng ngủ. Càng không bao giờ nên hăng say nói về Nó khi vừa "bại trận".
Những sáng kiến đề xuất ngay tại giường chưa bao giờ là cao kiến. Vào lúc thích hợp để bàn chuyện này, người nữ không để đối tác ám ảnh hình ảnh bác sĩ và bệnh viện.
Thái độ quan tâm nghiêm túc nhưng không nghiêm trọng hóa của vợ là một liều thuốc tinh thần khá hiệu nghiệm. Bất lực cần được quan tâm ngang bằng như những vấn đề khác trong đời sống gia đình, không tảng lờ mà cũng không thiên vị thái quá. Đề cập đến Nó với thái độ tự nhiên nhất mà ta có thể.
Lại có những bà vợ đóng vai thiên thần cứ xoa dịu ông chồng "em thấy chẳng sao hết, em vẫn cứ yêu anh như vậy". Chị em sẽ phải trả giá vì thái độ ve vuốt lừa mị này .
Điều quan trọng là cần duy trì sự gần gũi nhau trong tình trạng "ốm" này . Mỗi cặp vợ chồng sẽ tìm ra biện pháp phù hợp với mình. Miễn sao đừng lập luận cứng nhắc như với những bệnh nhân thông thường khác- "ốm" thì phải "nghỉ ngơi" cho đến lúc lành bệnh thì thôi.