Đó là câu hỏi từng làm các khoa học gia nhức đầu và tranh cãi nhiều lần. Nhưng chuyện này dường như đã ngã ngũ với phát hiện của các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Minnesota (Mỹ). Theo đó hành động gãi sẽ ngăn chặn hoạt động của một số tế bào thần kinh ở cột sống vốn chịu trách nhiệm gửi tín hiệu ngứa lên não.
Trước đây, các nhà khoa học đã xác định được một khu vực đặc biệt trong cột sống có vai trò chủ chốt trong việc gây cảm giác ngứa trên cơ thể. Hoạt động của các tế bào ở khu vực cột sống kể trên trở nên “sôi động” hơn nhiều khi các chất gây ngứa được đổ lên da.
Ở cuộc nghiên cứu này, vốn được thực hiện trên một số động vật linh trưởng, các nhà nghiên cứu phát hiện hành động gãi ở vùng da bị ngứa sẽ ngăn chặn hoạt động của các tế bào kể trên, khiến cho cột sống không thể gửi tín hiệu từ vùng da bị gãi lên não được.
Hãng truyền thông BBC dẫn lời nhà nghiên cứu Glenn Giesler bày tỏ hy vọng rằng kết quả cuộc nghiên cứu này có thể mở đường cho việc lần đầu tiên tìm ra một cách thức hiệu quả để chữa trị chứng ngứa kinh niên, vốn do rất nhiều loại bệnh khác nhau gây ra, từ zona tới AIDS hay các rắc rối ở túi mật…
Ông Giesler cho rằng đó có thể là một loại dược phẩm với khả năng ngăn chặn hoàn toàn các tế bào thần kinh kể trên, từ đó làm cho bệnh nhân hết ngứa mà không gây tổn hại đến da. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh đó là một con đường dài, đòi hỏi nhiều cuộc nghiên cứu nữa.
Các chuyên gia cho biết ngứa và gãi là những biểu hiện rất phúc tạp có liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như cảm xúc và tâm lý.
Đoan Nhật - Thanh nien