Đối với sự thành đạt của những đứa con, kinh nghiệm sống và hiểu biết của người bố có vai trò quan trọng hơn nhiều so với tiền, các nhà khoa học Mỹ khẳng định.
Thực tế cuộc sống cho thấy con của những ông bố giàu thường hưởng mức thu nhập lớn hơn mức trung bình của xã hội khi họ tới tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, nhiều người lớn lên dưới sự nuôi nấng của những ông bố nghèo song vẫn đạt được mức thu nhập cao. Vì thế các nhà khoa học của Đại học Bigham Young tại Mỹ muốn biết tài sản hay trí tuệ của bố quan trọng hơn đối với tương lai của con, Telegraph đưa tin.
Các chuyên gia so sánh dữ liệu chi tiết của hàng nghìn người đàn ông Thụy Điển có con chào đời trong khoảng thời gian từ năm 1950 tới 1965. Dữ liệu bao gồm thu nhập, công việc, trình độ học vấn, quan điểm đối với lao động – những thứ được coi là "vốn con người" mà thế hệ trước có thể truyền lại cho thế hệ sau.
Một xu hướng nổi bật trong dữ liệu là: Đa số con của những người bố giàu hưởng mức thu nhập cao hơn mức trung bình của xã hội.
Để làm rõ tác động của tài sản của bố đối với thu nhập của con, nhóm nghiên cứu so sánh những người đàn ông hưởng mức thu nhập khác nhau nhưng có cùng trình độ học vấn và kỹ năng nghề nghiệp. Chẳng hạn, họ đặt ra tình huống hai người bố cùng có bằng kỹ sư cơ khí và trình độ tương đương, nhưng một người làm ở thành phố lớn với mức lương hậu hĩnh, còn người kia làm ở vùng nông thôn với mức lương thấp hơn nhiều.
Nếu tiền của bố đóng vai trò quan trọng hơn đối với thu nhập của thế hệ sau, con của người bố làm việc tại thành phố sẽ hưởng thu nhập cao hơn so với con của người bố tại vùng nông thôn. Trong trường hợp "vốn con người" của bố đóng vai trò quan trọng hơn, những người con có thể hưởng mức thu nhập gần bằng nhau.
Kết quả cho thấy, con của những người bố có trình độ học vấn, kỹ năng làm việc tương đương nhau sẽ hưởng mức thu nhập gần bằng nhau, bất chấp khoảng cách lớn trong thu nhập của đấng sinh thành. Theo nhóm nghiên cứu, đối với thu nhập của con, trí tuệ của bố có ảnh hưởng lớn gấp đôi so với tài sản.