Những người khao khát mang đến điều tốt đẹp sẽ có động lực để thực hiện ước mơ và dễ trở thành người lãnh đạo.
Ảnh minh họa: echelonlimo.com. |
Science Daily cho biết, phần lớn các nhà sinh học tiến hóa và tâm lý trên thế giới cho rằng quyền lực là kết quả của một quá trình cạnh tranh nhằm giành giật địa vị xã hội. Trong cuộc cạnh tranh đó, con người cố gắng đoạt lấy quyền thống trị và sai khiến kẻ khác.
Nhưng tiến sĩ Edward Cartwright, giảng viên kinh tế cao cấp của Đại học Kent tại Anh, không tán thành giả thuyết này. Ông cùng với các đồng nghiệp tới từ Đại học Osnabrueck ở Đức và Đại học VU ở Hà Lan tiến hành một nghiên cứu để chứng minh.
Trong báo cáo đăng trên tạp chí Personality and Individual Differences, nhóm nghiên cứu cho biết, họ sử dụng hai trò chơi về sự phối hợp kinh tế để thực hiện thử nghiệm. Trong hai trò chơi này, người tham gia có thể đóng vai thường dân hoặc lãnh đạo. Điểm thú vị là lãnh đạo trong hai trò chơi có thu nhập thấp hơn so với thường dân. Thậm chí thu nhập của lãnh đạo càng thấp thì thu nhập của dân càng cao. Sau đó nhóm nghiên cứu tìm hiểu tính cách của những người chọn làm lãnh đạo. Họ nhận thấy những cá nhân đó thường được cộng đồng xung quanh đánh giá là luôn lo nghĩ cho người khác.
"Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy ngày nay nhiều người coi quyền lực là công cụ để họ trở nên có ích hơn đối với xã hội. Nhờ nó mà họ có thể thúc đẩy sự hợp tác giữa mọi người. Điều đó khiến chúng ta có cách nhìn nhận tích cực hơn đối với sự lãnh đạo", Cartwright phát biểu.
Giáo sư Van Vugt, một chuyên gia của Đại học Kent và cũng tham gia nghiên cứu, cho rằng quyền lãnh đạo là một sản phẩm tích cực của các xã hội loài người từ xưa tới nay. Ông thừa nhận nhiều người sẵn sàng lạm dụng quyền lực khi được dẫn dắt kẻ khác. Tuy nhiên, thế giới cũng có vô số nhà lãnh đạo cống hiến trọn cuộc đời cho người khác và đó mới là hình mẫu mà xã hội hiện đại ưa chuộng.