“Con gái yêu bằng tai” nhưng những chàng trai có giọng nói trầm bổng chưa chắc đã thu hút được sự chú ý của chị em. Tại sao vậy?
Một nghiên cứu mới đây tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) đã tiến hành khảo sát và phân tích giọng nói trong các tình huống khác nhau của hơn 200 đối tượng tại Đại học California và Pennsylvania. Kết quả cho thấy, độ biến hóa trên dải tần số âm thanh giọng nói của những người tham gia nghiên cứu liên quan trực tiếp tới số lượng bạn gái của họ. Những người có giọng nói đều đều với dải tần âm thanh biến đổi không nhiều dường như hấp dẫn người khác giới hơn.
Sức mạnh ẩn trong giọng nói
Trang web của Tạp chí Daily Mail đã trích dẫn một báo cáo khoa học: “Không phải bản thân giọng nói mà chính là sức mạnh ẩn chứa bên trong giọng nói đã tạo nên sức hấp dẫn”. Báo cáo trên cho rằng giọng nói đơn điệu về thanh âm tiềm ẩn sức mạnh, sự độc lập và khả năng thống trị. Khi con người cảm thấy lo lắng hay sợ hãi, tần số âm thanh của giọng nói biến đổi nhanh, hoặc khi giọng nói mang hàm ý đe dọa, sự dao động của các tần số âm thanh giảm xuống rõ rệt. Nhưng đối với người sở hữu giọng nói đơn điệu thì tần số âm thanh của giọng nói lại tương đối ổn định, bởi sự đơn nhất trong ngữ điệu giúp người nói tiết chế được sắc thái biểu cảm trong giọng nói. Báo cáo trên cũng cho biết ngoài nhân tố ngữ điệu, cách sử dụng từ ngữ của người đàn ông cũng ảnh hưởng đến sức thu hút người khác phái.
Giọng nói tiết lộ tính cách
Một tờ báo mạng về hôn nhân ở Anh đã tiến hành điều tra xã hội để chứng minh giọng nói đóng vai trò rất quan trọng để hấp dẫn người khác giới. Kết quả điều tra như sau: 58% cho rằng có thể đoán tính cách của một người thông qua việc nghe người đó đọc một trích đoạn trong tác phẩm của Shakespeare. Nhiều người cho rằng “nghiên cứu” ngữ điệu và cách dùng từ của một người khi kể chuyện cũng có thể phán đoán tính cách của anh ta. Vì thế, tờ báo mạng này đã quyết định sử dụng dịch vụ thông tin thoại để độc giả - những người đang đi tìm một nửa của mình – có thể trực tiếp nghe người khác giới thiệu về bản thân. 84% người dùng thử nghiệm dịch vụ này nói có thể dựa vào giọng nói để quyết định liên lạc với người họ cho là phù hợp.
Mặc dù vậy, khi tình cảm đã được thiết lập thì giọng nói không còn giữ vai trò quan trọng như buổi ban đầu nữa, thay vào đó là những dòng tin nhắn, những bức thư tay hay email… 63% người tham gia cuộc điều tra cũng cho rằng nếu được lựa chọn thì khi chấm dứt quan hệ, họ muốn nhìn thấy hơn nghe thấy lời chia tay.