Có một ranh giới rất mỏng manh giữa những người có khả năng sáng tạo xuất chúng và người mắc bệnh tâm thần, vì họ đều có một gene gây nên chứng loạn thần kinh và trầm cảm.
Danh họa Vincent van Gogh. Ảnh: AP. |
Các nhà khoa học của Đại học Semmelweis (Hungary) tuyển mộ một nhóm người tình nguyện. Những người này tự cho rằng họ có đầu óc sáng tạo và trí tuệ uyên thâm. Để đánh giá mức độ sáng tạo của họ, nhóm nghiên cứu yêu cầu họ trả lời hàng loạt câu hỏi bất thường. Chẳng hạn: "Giả sử các đám mây được gắn với những sợi dây thừng và những sợi dây thừng thõng xuống đất. Điều gì sẽ xảy ra?".
Mức độ sáng tạo được đánh giá theo một thang điểm dựa vào mức độ linh hoạt trong câu trả lời của họ.
Các tình nguyện viên cũng phải liệt kê những thành tựu liên quan tới sự sáng tạo của họ trong cuộc đời. Sau đó nhóm nghiên cứu lấy mẫu máu của họ để phân tích.
"Chúng tôi nhận thấy những tình nguyện viên sở hữu một gene có tên neuregulin 1 có khả năng tìm tòi cái mới cao hơn và cũng có nhiều thành tựu sáng tạo hơn so với những người khác", nhóm nghiên cứu tuyên bố trong một bài viết trên tạp chí Psychological Science.
Neuregulin 1 là gene có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của não, song một biến thể của nó có thể gây nên các chứng rối loạn thần kinh như tâm thần phân liệt hay rối loạn lưỡng cực.
"Những người bị rối loạn tâm thần sở hữu biến thể của gene neuregulin 1. Nhưng nếu gene này xuất hiện trong cơ thể người khỏe mạnh và không bị biến thể, nó sẽ làm tăng khả năng sáng tạo của họ", tiến sĩ Szabolcs Kéri, trưởng nhóm nghiên cứu, khẳng định.
Kéri và cộng sự tin rằng phát hiện của họ có thể giúp mọi người giải thích tại sao những thiên tài như Vincent van Gogh hay Sylvia Plath thể hiện những hành vi lập dị và mang tính hủy hoại. Theo nhiều tài liệu thì danh họa Vincent van Gogh tự cắt tai do khủng hoảng tinh thần.
Minh Long