Thiếu ngủ có thể gây ảnh hưởng mạnh mẽ đối với hoạt động nội tại của cơ thể con người, là nguyên nhân dẫn đến bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì và chức năng não kém.
Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn chưa hiểu được cặn kẽ cơ chế phá hoại do ngủ không đủ giấc này. Trong một nghiên cứu mới đăng trên chuyên san PNAS, nhóm khoa học gia của Đại học Surrey (Anh) đã tiến hành phân tích mẫu máu của 26 người sau khi họ được ngủ nhiều, đến 10 giờ/ngày trong 1 tuần, và so sánh với mẫu thu được khi họ chỉ ngủ được 6 giờ/ngày. Kết quả cho thấy đến hơn 700 gien đã bị biến đổi do thay đổi thời gian nghỉ ngơi.
Mỗi gien chứa lệnh tạo ra một protein, do vậy chúng sản sinh thêm nhiều protein hơn, làm thay đổi tính hóa học của cơ thể. Bên cạnh đó, đồng hồ sinh học tự nhiên của cơ thể cũng bị đảo lộn. Các hệ thống như hệ miễn dịch và sự phản ứng của cơ thể đối với tổn hại và stress bị ảnh hưởng theo. Trưởng nhóm nghiên cứu là Giáo sư Colin Smith giải thích giấc ngủ đóng vai trò tối quan trọng để tái tạo cơ thể và duy trì khả năng hoạt động bình thường, nên nếu cơ thể không thay thế được tế bào mới, bệnh hiểm nghèo theo đó phát sinh.