Hình dạng khuôn mặt của một người đàn ông có thể ảnh hưởng đến "cái uy" của anh ta đối với những người xung quanh, theo một nghiên cứu mới.
Các nhà tâm lý học đến từ Đại học Stirling (Anh) phát hiện, những nam giới sở hữu hộp sọ nhỏ hẹp hơn thường được coi là kém uy quyền hơn các bạn đồng giới sở hữu khuôn mặt to rộng hơn.
Kết luận trên được rút ra sau khi nhóm nghiên cứu yêu cầu những người tình nguyện xem ảnh chụp của các sinh viên có biểu cảm khuôn mặt trung tính và đánh giá ưu thế tính cách của họ. Các chuyên gia cũng chụp ảnh của những người tình nguyện và yêu cầu họ điền vào một bảng khảo sát về mức độ ảnh hưởng của chính họ.
Nghiên cứu đã hé lộ một sự liên quan mạnh mẽ giữa bề ngang khuôn mặt của người đàn ông so với chiều cao của khuôn mặt, và "cái uy" của anh ta trong mắt của bản thân cũng như đánh giá của những người khác. Điều tương tự chưa được ghi nhận ở phụ nữ.
Viết trên tạp chí Personality and Inpidual Differences, Viktoria Mileva, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết, sự cảm nhận của người khác về những người đàn ông sở hữu khuôn mặt to rộng có thể khiến họ nghĩ rằng, họ có uy quyền thống trị.
Tuy nhiên, bà Mileva nói thêm: "Điều này cũng có thể, những người đàn ông có tỉ lệ chiều rộng trên chiều dài khuôn mặt (fWHR) lớn hơn vốn đã hành động kiểu kẻ cả, có lẽ do lượng hoóc môn nam tính testosterone tăng cao.
Một cơ chế có thể lý giải tại sao tỉ lệ fWHR ảnh hưởng tới sự tự cảm nhận về cái uy của đàn ông là cách những người khác cư xử với họ. Nếu các đặc tính hành vi nhất định báo hiệu mức độ ảnh hưởng, chẳng hạn như sự gây hấn, lừa dối hay sự đáng tin cậy, rõ thấy trên khuôn mặt của mọi người thông qua tỉ lệ fWHR, nghiên cứu của chúng tôi ám chỉ, cách hành xử của người khác đối với những cá nhân này có thể không giống nhau".
Các nghiên cứu trước đây từng phát hiện, nam giới sở hữu khuôn mặt rộng hơn nhiều khả năng bị xem là hiếu chiến, nhưng cũng hấp dẫn hơn đối với những mối quan hệ ngắn hạn.