Một loại vi khuẩn trong đất có thể làm tăng khả năng tư duy của con người, đồng thời giảm mức độ lo lắng.
Vi khuẩn Mycobacterium vaccae trong đất làm tăng khả năng tư duy và giảm mức độ lo lắng ở động vật. Ảnh: Science Daily. |
“Mycobacterium vaccae là một vi khuẩn tự nhiên có trong đất. Con người rất dễ hít phải vi khuẩn này khi chúng ta ra môi trường bên ngoài”, Dorothy Matthews – một nhà khoa học của Đại học Sage, Mỹ - nói với Science Daily.
Nhiều nghiên cứu trước đây khi vi khuẩn Mycobacterium vaccae xâm nhập vào cơ thể chuột, chúng kích thích sự phát triển của một số loại tế bào thần kinh liên quan tới việc làm giảm mức độ căng thẳng và nồng độ serotonin – một chất truyền dẫn thần kinh.
“Do serotonin có vai trò quan trọng trong hoạt động học tập ở động vật nên chúng tôi muốn tìm hiểu xem liệu vi khuẩn Mycobacterium vaccae có làm tăng khả năng học tập của chuột hay không”, Matthews nói.
Science Daily cho biết, Matthews và cộng sự cho một số con chuột ăn thực phẩm có vi khuẩn M. vaccae rồi thả chúng vào một mê cung. Sau đó họ so sánh khả năng định hướng của chúng trong mê cung so với những con chuột ăn thực phẩm không có vi khuẩn.
“Chúng tôi nhận thấy nhóm chuột ăn vi khuẩn tìm đường ra trong mê cung nhanh gấp hai lần so với những con kia. Ngoài ra chúng mức độ lo lắng của chúng cũng thấp hơn”, Matthews phát biểu.
Trong thử nghiệm thứ hai, nhóm nghiên cứu cho cả hai nhóm chuột ăn thực phẩm không có vi khuẩn rồi thả chúng vào mê cung. Họ nhận thấy những con từng ăn thực phẩm có vi khuẩn định hướng chậm hơn so với thử nghiệm trước, nhưng nếu tính trung bình thì thời gian thoát khỏi mê cung của chúng vẫn ngắn hơn so với nhóm chuột kia.
Ba tuần sau các chuyên gia thực hiện thử nghiệm cuối cùng. Lần này lũ chuột từng ăn thực phẩm có vi khuẩn vẫn dò đường nhanh hơn so với nhóm kia, song tốc độ giảm hẳn. Điều đó cho thấy tác động của vi khuẩn chỉ là tạm thời. Muốn tác động đó kéo dài, con người phải thường xuyên tiếp xúc với chúng.
“Nghiên cứu này cho thấy M. vaccae có thể làm tăng khả năng tư duy và giảm mức độ căng thẳng ở động vật”, Matthews kết luận.