Bạn gái H.T (25 tuổi, sinh viên ở Bình Dương), đến Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2 (Biên Hòa, Đồng Nai) khám bệnh với nỗi khổ tâm và cảm xúc buồn chán, tâm trạng lo âu, căng thẳng. Nguyên do, hơn một tháng nay, không hiểu sao cứ mỗi lần tiếp xúc với người đối diện T. lại bị ám ảnh bởi cảm giác cứ phải nhìn chằm chằm vào ngực của họ, kể cả người đối diện là nữ. Sự ám ảnh đó cứ lặp đi lặp lại với chiều hướng cường độ ngày càng gia tăng. Em đã cố gắng dập tắt các ý nghĩ đó nhưng hoàn toàn vô vọng và nó càng căng thẳng hơn. Điều đó làm em rất xấu hổ, rất mất tự tin và lo lắng cực độ. Em sợ hãi không dám đi học và thực sự lo lắng mỗi khi gặp người lạ.
Trường hợp của T. là do rơi vào trạng thái rối loạn ám ảnh cưỡng bức. Rối loạn này chiếm 2-3% trong một giới hạn đối tượng và đôi khi trong cả cuộc đời họ; tỷ lệ nam và nữ bằng nhau, nhưng phần nhiều họ không tìm đến bác sĩ điều trị, vì nghĩ rằng đó là một tình trạng về nhận thức. Rối loạn ám ảnh cưỡng bức phổ biến sau 10 tuổi, hoặc trước 20 tuổi. Tiến triển bệnh thường thay đổi, nhiều người cho thấy một quá trình dao động. Một số người mãn tính cũng có đặc tính dao động về mức độ nặng không thuyên giảm và tái phát, trong khi đó một số nhỏ tiến triển xấu.
Người bệnh có biểu hiện bị ám ảnh, có hành vi cưỡng bức nhìn vào ngực người đối diện; hoặc có cảm giác người đối diện luôn chú ý đến mình. Các ám ảnh là những ý nghĩ, các xung động và các hình ảnh lặp đi lặp lại, chúng có tính chất xâm phạm và không thích hợp với những nhận thức của bệnh nhân, chúng gây nên lo âu hoặc đau khổ rõ rệt. Bệnh nhân cố gắng để quên đi, trấn áp hoặc vô hiệu hóa các ám ảnh ấy bằng các ý nghĩ hoặc các hành động khác. Nội dung của ám ảnh rất lạ lùng, không chịu sự kiểm soát của bệnh nhân và không phải là ý nghĩ mà bệnh nhân muốn có.
Rối loạn ám ảnh cưỡng bức là một rối loạn tâm thần cần được chẩn đoán chính xác để chữa trị. Chính vì thế khi bệnh nhân rơi vào các triệu chứng trên cần phải được khám xét kỹ lưỡng trên cơ sở lâm sàng tâm thần học. Việc điều trị thường được phối hợp bởi các bác sĩ tâm thần và các chuyên gia trị liệu tâm lý.
Lê Minh Công
(BV Tâm thần T.Ư 2)