Việc ăn uống và hấp thụ bất hợp lý các thành phần dinh dưỡng có thể dẫn đến tình trạng mất thăng bằng về lượng đường trong máu, kéo theo nhiều rắc rối về phương diện tinh thần như căng thẳng, dễ kích động, tức giận...
Dưới đây là vài gợi ý giúp bạn hạn chế những cơn stress thông qua "con đường dạ dày".
- Nên ăn đa dạng và "ưu ái" các thực phẩm giàu vi chất có lợi hơn cho não. Thường thì trong gạo, các loại đậu, hoa quả và rau tươi hay chứa thành phần chất xơ hòa tan giúp ổn định lượng đường và insulin trong máu. Việc ăn các loại hoa quả và rau tươi đa dạng còn giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim mạch, củng cố hệ miễn dịch, cân bằng trạng thái tinh thần và có lợi cho sự phát triển não bộ. Hãy chọn những loại rau củ, trái cây đa sắc tố như: bông cải xanh, mồng tơi, khoai tây, cà tím, mận, rau diếp, cà rốt, quýt, cam, đào, bưởi, đu đủ, dưa hấu...
- Ưu tiên ăn các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (đường hấp thu chậm) như ngũ cốc nguyên cám, gạo lức, khoai củ, các loại đậu. Chú ý bổ sung các chất béo thiết yếu cần ưu tiên dùng cho não có trong dầu thực vật (dầu cải, dầu bắp, dầu mè, dầu hướng dương); các loại hạt có dầu như hạt bí đỏ, hạt dẻ, hướng dương, vừng; các loại cá béo như cá basa, cá thu, cá ngừ, cá hồi, cá trích, cá mòi...; tảo, rong biển, sữa và lòng đỏ trứng. Ưu tiên ăn cá hơn thịt; dùng nhiều rau củ, trái cây tươi.
- Bên cạnh việc chọn thực phẩm, thói quen ăn uống cũng rất quan trọng. Bí quyết chế ngự stress là xem bữa ăn như dịp thư giãn, tức là ăn chậm, nhai kỹ, thưởng thức hương vị món ăn. Chỉ ăn khi thấy đói và ngưng khi vừa no. Nếu thường xuyên ăn uống quá no hoặc ngược lại để bụng quá đói sẽ dễ dẫn đến cảm giác căng thẳng, mệt mỏi cho cơ thể. Hãy chia thành các bữa nhỏ từ 5-6 lần/ngày, thay vì cứ ăn lấy ăn để trong 2-3 lần, nhằm giúp ổn định lượng đường trong máu, từ đó dễ kiểm soát căng thẳng.