Nghiên cứu của Tiến sĩ Leanne Ten Brinke, một nhà tâm lý học pháp y tại Trường Kinh doanh Haas, Đại học California, Berkeley, cho thấy mỗi chúng ta đều có bản năng muốn bóc trần kẻ nói dối. Và thực tế, có một số cử chỉ và điệu bộ mà người nói dối thường vô thức thực hiện, ta có thể nhìn vào đó và phần nào đoán định được.
Tiến sĩ Lillian Glass, nhà phân tích hành vi, chuyên gia ngôn ngữ cơ thể, khuyên rằng nếu muốn biết một người đang nói dối hay không, trước tiên cần hiểu "quy tắc cơ sở" (baseline) của họ. Quy tắc cơ sở là hành động, thói quen của người đó trong bối cảnh thông thường, không bị đe dọa. Bạn hãy quan sát cử chỉ, hành vi, hành động, biểu cảm gương mặt họ khi họ nói về những chủ đề trung lập như thời tiết, bữa tối. Khi nói dối, họ sẽ có biểu hiện khác với biểu hiện ngày thường.
Dưới đây là 12 cử chỉ, hành vi, điệu bộ, ngôn ngữ cơ thể đặc trưng của một kẻ nói dối:
1. Người nói dối có xu hướng chuyển động đầu rất nhanh
Nếu bạn thấy ai đó đột nhiên chuyển động đầu khi bạn hỏi trực tiếp điều gì đó, có thể họ đang nỗ lực che giấu sự thật. "Họ có thể rụt cổ lại, cúi đầu xuống, nhìn ngóng xung quanh hoặc nghiêng sang một bên", Glass giải thích. Họ thường cử động đầu rất nhanh trước khi trả lời câu hỏi.
2. Hơi thở thay đổi, khó nói
Theo phản xạ, một người không thành thật có biểu hiện thở mạnh, thở hơi gấp. Khi hơi thở của họ thay đổi, vai của họ sẽ nâng lên và giọng nói như hết hơi. Họ hết hơi vì nhịp tim và lưu lượng máu thay đổi.
Hơn nữa, hệ thần kinh tự chủ (autonomic nervous system) làm giảm nước bọt, gây khô lớp màng nhầy của miệng khi cơ thể rơi vào trạng thái căng thẳng. Vì vậy mà họ cũng khó phát âm hay nói năng rõ ràng hơn.
Cơ thể bạn cũng có những trải nghiệm tương tự khi bạn lo lắng và cảm thấy căng thẳng.
3. Họ có xu hướng đứng yên, nhưng chân bồn chồn
Khi bị bắt khai ra sự thật, người nói dối có thể bước vào tư thế "phòng thủ", giương cao cảnh giác. Hệ quả là cơ thể của họ có xu hướng đứng yên, cứng nhắc, không nhúc nhích động đậy nhiều. Trong những cuộc nói chuyện bình thường, người nói thường di chuyển cơ thể thoải mái hơn.
Mặc dù ngồi yên, nhưng chân của họ dễ bồn chồn, họ có thể giậm chân, hoặc lưỡng lự như muốn bước đi nhưng không đi được.
4. Họ có thể lặp lại các từ hoặc cụm từ
Điều này có phần hiển nhiên, người nói dối lặp lại từ ngữ nhiều lần vì đang cố gắng thuyết phục đối phương. Ví dụ một người nói "Tôi không hề làm" hết lần này đến lần khác. Sự lặp lại cũng là một hình thức câu giờ, họ cần thêm thời gian để nghĩ ra những lý lẽ logic, đủ sức thuyết phục.
5. Họ chia sẻ thông tin quá nhiều
"Khi ai đó cung cấp quá nhiều thông tin, kể cả những thông tin không hề cần thiết và chẳng liên quan chút nào câu chuyện chính, thì khả năng cao họ đang không thành thật", Glass nhận định. Những người nói dối mong muốn tạo ra một vẻ ngoài thân thiện, cởi mở, sẵn sàng sẻ chia, vì vậy họ cố gắng cung cấp thật nhiều chi tiết bên lề.
6. Họ vô thức chạm tay vào miệng hoặc che miệng
Nếu một người thường xuyên đưa tay lên che miệng, chạm vào miệng nghĩa là họ không muốn tiết lộ sự thật hoặc không muốn trả lời câu hỏi. Các dấu hiệu khác có thể là cắn môi, mím môi.
7. Họ che các bộ phận dễ bị tổn thương
Glass quan sát và đúc kết ra hành vi này sau khi quan sát các phòng xử án khi làm nghề tư vấn cho luật sư. Cô thấy tay của người nói dối thường che những bộ phận nhạy cảm như cổ họng, ngực, đầu hoặc bụng.
9. Nhìn chằm chằm vào bạn, ít chớp mắt
Sự thay đổi trong các cử chỉ, hành vi giao tiếp bằng ánh mắt là dễ nhận ra nhất. Khi mọi người nói sự thật, hầu hết không nhìn chằm chằm, thỉnh thoảng họ nhìn ra chỗ khác. Những kẻ nói dối "chuyên nghiệp" sẽ cố gắng dùng ánh mắt sắc lạnh để đe dọa, kiểm soát, thao túng tâm lý bạn. Một dấu hiệu khác là họ cũng nháy mắt rất nhanh.
10. Họ chỉ trỏ khá nhiều
Khi một người bị phát hiện là đang nói dối, họ coi đối phương là kẻ thù và phủ nhận "lời buộc tội". Họ bật chế độ phòng thủ, hung hăng hơn và bắt đầu chỉ trỏ vào người kia.
11. Nói thiếu đại từ cá nhân
Người nói dối thường né tránh những phát ngôn trực tiếp liên quan đến mình, vì vậy họ cũng lược bớt đại từ cá nhân đi (Tôi, Mình, Tớ, Em…). Họ có thể nói một câu mà thiếu chủ ngữ, không xưng hô đầy đủ, ví dụ như: "Đã hoàn thành xong", "Chưa bao giờ làm việc đấy".
12. Lên giọng bất thường
Đôi khi ta hỏi ai đó, ta sẽ lên cao giọng khi kết thúc câu. Nhưng khi một người thường lên cao giọng mỗi khi kết thúc câu dù đó không phải câu hỏi thì khả năng họ chưa thành thật. Vì không tự tin vào những gì mình nói nên họ sẽ vô thức tăng ngữ điệu của câu để làm lập luận vững chắc, đáng tin hơn.
Kết
Tất nhiên, để rút ra kết luận cuối, bạn không thể chỉ dựa vào một dấu hiệu duy nhất. Người nói dối cần thể hiện ít nhất 3 biểu hiện. Thử hình dung qua ví dụ này: một người quản lý hỏi nhân viên về tình hình kinh doanh tháng này. Nhân viên nọ cắn môi, lùi lại một bước và trả lời thiếu đại từ: Dạ làm tốt! Có khả năng đáp ứng KPI tháng này. Khả năng người nhân viên đang nói dối.
Thứ hai nữa là bạn cũng cần đối chiếu biểu hiện trên với "quy tắc cơ sở" của đối phương. Ví dụ, nhiều người thường nhận định nói lắp là biểu hiện của sự không trung thực. Nhưng nếu người kia từ bé đã nói lắp thì hành động trên không được ghi nhận là nói dối.
Cuối cùng, hãy lưu ý là những cử chỉ này có tính tương đối nhất định. Ngay cả người nói thật khi gặp căng thẳng vẫn có biểu hiện như đang nói dối. Còn một số kẻ nói dối dày dặn kinh nghiệm vẫn có thể qua mặt chuyên gia đọc ngôn ngữ cơ thể.