Tô canh bún hấp dẫn với chả cua đậm đà, đĩa rau muống xanh ngon ăn vừa không dai cũng không quá mềm, rau nhút ngọt, mát…
Không ai biết canh bún xuất phát từ địa phương nào nhưng từ lâu, món ăn dân dã với nhiều nguyên liệu quen thuộc của miền Bắc như mắm tôm, rau nhút đã dược người dân Sài Gòn yêu thích.
Nghe nhắc đến canh bún, nhiều người sẽ lầm tưởng canh bún với bún riêu vì đều được nấu từ xương lợn, gạch cua, ăn kèm với rau muống, mắm tôm… nhưng thực chất canh bún khác với bún riêu về cách chế biến. Canh bún có những đặc trưng riêng không lẫn vào đâu được. Đó là cọng bún lớn, dai, rau muống cắt khúc rồi luộc, mắm tôm, nước me, riêu cua, chả cua…
Nước canh bún hơi giống bún riêu trong Nam, được nấu từ xương lợn và cũng lấy màu từ hột điều xào dầu. Khác với bún riêu, canh bún không có thịt, món chính trong canh bún là tiết lợn cắt miếng chừng hai ngón tay, thả trong nồi bún và cà chua xắt thành miếng, đậu phụ rán, một lát chả, gạch cua.
Đặc điểm chung của các quán bán canh bún là cái nồi thật bự, trong chứa canh bún sôi bốc khói, thau chứa rau muống luộc, những lọ ớt băm, mắm tôm, chanh, dấm (hoặc me).
Bún dùng trong món này có sợi to và dai. Người bán thả luôn bún vào nồi canh để nấu, do đó cọng bún thấm đẫm màu gạch tôm đậm. Khi bán cho khách, chủ quán dùng cái vá múc một bát bún, cho vài miếng tiết, đậu phụ và chả, kế đó bỏ lên trên một nhúm rau muống luộc, rau nhút. Khách tùy ý cho thêm vào mắm tôm (không dùng mắm ruốc), chanh, chút ớt băm rồi thưởng thức.
Các quán canh bún thường được bán vào đầu giờ chiều cho đến chập tối. Các bạn yêu thích món này có thể đến thưởng thức tại một vài địa điểm dưới đây:
- Canh bún đường Lê Chân, bên hông chợ Tân Định (quận 3).
- Canh bún Mẹ Tôi: 115/62 Lê Văn Sĩ, quận Phú Nhuận.
- Canh bún chợ Lê Hồng Phong, quận 10.