Thiếu ngủ thường xuyên có thể góp phần gây ra hoặc làm tăng nặng thêm chứng tăng động giảm chú ý trong những năm đầu đời của trẻ, một nghiên cứu vừa cho biết.
Báo cáo công bố tại cuộc họp thường niên lần thứ 25 của Hiệp hội nghiên cứu giấc ngủ LLC.
Cụ thể, việc thiếu ngủ trước tuổi đi học là yếu tố dự báo đáng kể rằng trẻ có thể bị tăng động và giảm chú ý khi đi mẫu giáo. Kết luận này được rút ra từ việc phân tích khoảng 6.800 trẻ, có tính đến giới tính, chủng tộc và thu nhập gia đình.
"Những đứa trẻ được cha mẹ ghi nhận là thiếu ngủ ở tuổi trước đến trường thì cũng bị đánh giá là hiếu động hơn và ít tập trung hơn so với các bạn bè của chúng ở trường mẫu giáo", tác giả nghiên cứu Erika Gaylor, từ một viện nghiên cứu phi lợi nhuận ở Menlo Park, California (Mỹ), cho biết.
"Phát hiện này gợi ý rằng một số trẻ em không ngủ đủ có thể gặp nguy cơ mắc các chứng rối loạn hành vi, như hiếu động thái quá, hấp tấp, không ngồi yên được và kém tập trung", ông nói thêm.
Tuy nhiên, theo Xinhuanet, mối liên quan giữa hai vấn đề này khá phức tạp, và cần những nghiên cứu lâu dài hơn nữa để xác định rõ ràng.
Cũng theo các tác giả, rối loạn tăng động giảm chú ý thường chỉ được chẩn đoán khi trẻ đã vào tiểu học. Tuy nhiên, các biểu hiện như mất tập trung, hiếu động hay hấp tấp thường xuất hiện sớm hơn nhiều.
Cũng tại hội thảo này năm ngoái, Gaylor cho biết việc đi ngủ đúng giờ là chỉ báo quan trọng cho thấy trẻ sẽ có những bước phát triển tích cực vào năm lên 4 tuổi. Các bé đi ngủ sớm cũng có hầu hết các chỉ số phát triển cao hơn.