Nghe cô con gái mới 11 tuổi hỏi vậy, tôi toát mồ hôi hột...
Làm cha mẹ, chắc khó ai “thoát” được “cửa ải” dạy con về giới tính, tôi cũng thế. Nhưng suy cho cùng, tất cả cái khó đều khởi nguồn từ thành kiến xã hội của một thời: ai dám mở miệng nói về giới tính thì đó là người không đàng hoàng, không đứng đắn!
Lần đầu tiên khi nghe con gái hỏi: “Mẹ ơi, con từ đâu ra?” lúc cháu mới 7 tuổi, tôi toát mồ hôi hột. Rồi sau đó là cả chuỗi dài vô tận những câu hỏi hồn nhiên về giới tính. Biết là không thể ngậm hột thị để né được mãi, nên tôi thu hết can đảm “làm việc” với con một cách bình tĩnh: tôi trả lời con từng câu một như… cô giáo dạy môn sinh vật! Cũng ngồi bàn, cũng giấy bút, hình ảnh trong sách vở, cắt nghĩa nguyên lý, nguyên tắc, quy luật, giống đực, giống cái, thụ thai, từ thực vật tới động vật. Lúc đầu, với tôi, chuyện này vẫn còn là chuyện vô cùng khó nói, nên khi bắt vào khía cạnh chính là giới tính, tôi chọn điểm bắt đầu từ những… con thú. Và dẫn dắt dần “con người là loài thú bậc cao nhất, nên cũng tuân theo những quy định của tự nhiên…”. Tôi sử dụng luôn toàn bộ những thuật ngữ của môn sinh vật. Vậy đó, mà mọi sự bỗng nhiên trở nên dễ dàng, nhẹ nhàng, không còn ấp úng, e ngại từ hai phía người nói và người nghe nữa. Từ đó trở đi, với tôi và con, tìm hiểu về giới tính chỉ còn là những giờ học sinh vật đầy sinh động và hào hứng.
11 tuổi, một hôm con lại hỏi: “Nếu con có bạn trai thì mẹ có la con không?”. “Bạn thì phải có cả bạn trai và bạn gái, chứ nếu chỉ có bạn gái không thì đâu có vui hả con?”. Bỗng con nhìn tôi đầy ngưỡng mộ và… bồi vào một câu mà chắc tôi sẽ nhớ tới già: “Mẹ ơi, trước khi lấy ba, mẹ có sex với ai khác không?”. Hai thế hệ, có lối sống và suy nghĩ hoàn toàn khác nhau, làm sao để trả lời “KHÔNG” mà con chấp nhận được. Tối đó, tôi bắt đầu câu trả lời từ việc… ba bé hay đi làm xa nhà: “Ba đi công tác hoài con có buồn và nhớ ba không? Nếu một cô gái quan hệ tình dục trước khi cưới thì sẽ rất dễ có em bé và em bé sẽ không có cha. Ba đi làm cuối tuần mới về mà con còn buồn, nếu bây giờ em bé không được gặp cha thì em bé sẽ thiệt thòi và buồn cỡ nào? Và cô gái nào thiếu suy nghĩ mà làm cho con mình thành em bé không có cha một cách vô ý thức như thế thì cô gái ấy ác quá. Mẹ nghĩ thế và mẹ không muốn làm điều ác, con nghĩ sao?”.
Con lặng người rơm rớm, không nói câu nào. Để tránh rơi vào cảnh “trái cấm là trái ngon”, tôi lấy đà tiếp luôn: “Thích người khác phái là chuyện tự nhiên và cần thiết như ăn cơm, uống nước. Sex trước khi cưới có thể xảy ra hậu quả rất dễ sợ như: có em bé ngoài ý muốn và có thể lây bệnh nan y như AIDS. Còn khi kết hôn, cả hai sẽ phải kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân nên sẽ an toàn hơn con ạ”. Sẵn trớn, tôi “đi” luôn qua phần “an toàn tình dục” cho con nghe.
Cứ mỗi lần dạy con được một điều gì, tôi đều báo cho chồng biết và chồng tôi tiếp nối câu chuyện một cách vui vẻ, hài hước, kiểu như: “Ái chà, thế là hôm nay bạn biết cách tạo ra em bé rồi, bây giờ ta sẽ xem phải làm gì để được em bé như ý nhé”. Hoặc “Phải xem vì sao mà tôi có hai cô cậu mà một bạn trắng còn một bạn đen thui thế kia?” v.v.. Những lúc như vậy cả nhà thường cùng cười rôm rả, rất vui. Quan trọng nhất là con chúng tôi đã hiểu: vấn đề giới tính cũng bình thường như những vấn đề khác, ta có thể trao đổi thẳng thắn với nhau, không việc gì phải giấu diếm.
Chuyện “vẽ đường cho hươu không chạy bậy” tưởng khó chứ thật ra không quá khó như ta suy diễn. Chỉ cần phụ huynh chân thành và nói với con bằng ngôn ngữ của chính con. Càng nghiêm trọng hóa vấn đề thì phụ huynh sẽ càng… bí, để rồi khó trao đổi hoặc không hướng dẫn con hiệu quả được nữa.
Theo Afamily