Những đứa trẻ bị tự kỷ có đặc điểm khuôn mặt khá đặc trưng, khác với các trẻ không mắc hội chứng này, nhóm nghiên cứu của Đại học Missouri (Mỹ) tuyên bố.
Kristina Aldridge, trưởng nhóm nghiên cứu, bắt đầu tìm hiểu các đặc điểm này, sau khi một nhà nghiên cứu khác - Judith Miles - lưu ý rằng "Có một điều gì đó trên khuôn mặt chúng. Chúng xinh xắn, nhưng vẫn có điểm lạ nào đó".
"Những trẻ mắc các rối loạn như hội chứng Down và hội chứng ngộ độc cồn bào thai đều có những đặc điểm khuôn mặt rất điển hình. Hội chứng tự kỷ thì kém điển hình hơn. Bạn không thể phân biệt chúng trong đám đông trẻ, nhưng bạn có thể chọn ra chúng một cách chính xác", bà nói.
Theo MSNBC, khi chụp ảnh 3 chiều những đứa trẻ, nhóm nghiên cứu của Aldridge phát hiện trẻ tự kỷ có phần mặt trên rộng hơn và mắt to hơn, vùng giữa mặt (gồm má và mũi) ngắn hơn, miệng và nhân trung rộng hơn.
Aldridge nhận ra điều này sau khi phân tích 64 cậu bé bị tự kỷ và 41 bé bắt đầu đầu có biểu hiện bệnh, tuổi từ 8 đến 12, bằng cách sử dụng ảnh chụp 3 chiều phần đầu. Bà cũng lập bản đồ 17 điểm trên khuôn mặt, như góc mắt, điểm Giữa môi trên...
Dữ liệu nhân trắc học sau đó được tính toán và so sánh với nhóm đối chứng, cho thấy sự khác biệt đáng kể trên khuôn mặt của các trẻ tự kỷ.
Aldridge cho biết các hình ảnh này cung cấp bằng chứng cho thấy có điều gì đó đã xảy ra trong giai đoạn giữa của thai kỳ, khi khuôn mặt đứa trẻ bắt đầu phát triển. Nó có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn liệu gene hay môi trường đã ảnh hưởng đến quá trình này, gây hiện tượng tự kỷ.
"Đây là bằng chứng rõ ràng ủng hộ quan điểm cho rằng nguyên nhân gây tự kỷ có thể xảy ra từ trước lúc trẻ chào đời", Aldridge nói.