Chắc hẳn tất cả các bà mẹ trên thế giới đều thấy hạnh phúc và tự hào biết bao khi nghe bé gọi tiếng "mẹ" đầu tiên. Nhưng khả năng nói của mỗi bé lại nhanh/chậm khác nhau. Bạn có thể sốt ruột, thắc mắc và lo lắng tại sao con mình lại chậm biết nói hơn các bé khác. Tại sao nhỉ?
Bên cạnh yếu tố sức khỏe, yếu tố di truyền… thì khả năng ngôn ngữ của trẻ phụ thuộc rất nhiều vào một yếu tố quan trọng khác, đó là môi trường sống xung quanh trẻ.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho thấy nếu có sự hỗ trợ, tương tác của mọi người xung quanh, đặc biệt là của mẹ và những người thân trong gia đình, bé sẽ nhanh biết nói hơn rất nhiều.
Hãy nhớ rằng ngay từ những năm tháng đầu đời, trước khi con bạn nói những từ có nghĩa đầu tiên, bé đã có thể có những hình thức khác đối thoại với bạn bằng mắt, bằng cử chỉ, những tiếng bập bẹ, ríu rít và thậm chí là cả khóc nữa. Nên bạn có thể có những trải nghiệm thú vị và dễ dàng giúp trẻ học nói.
Mời các mẹ tham khảo thông tin dưới đây để thấy sự phát triển khả năng ngôn ngữ của bé trong năm đầu tiên nhé.
• Giai đoạn từ 1-3 tháng tuổi: Ở giai đoạn này, bé ngủ nhiều hơn thức, nhưng bé vẫn có thể nghe những gì bạn nói. Mẹ hãy kể chuyện cho bé nghe, vì bé rất thích nhịp điệu trong giọng nói của mẹ.
• Giai đoạn từ 4-6 tháng tuổi: Bé đã bắt đầu biết quan sát xung quanh, bé thích nhìn những cử động bằng miệng của mẹ và giao tiếp với mẹ bằng mắt, cử động chân tay tuy chưa rõ rệt. Hãy bế bé ở tư thế thích hợp để bé nhìn thấy khuôn mặt mẹ rõ nhất và lắng nghe mẹ nói nhé. Bé biết tặc lưỡi và khua tay chân để đáp lại đấy mẹ ạ.
• Giai đoạn từ 7-9 tháng tuổi: Bé phân biệt được những tiếng nói khác xung quanh mình (ngoài tiếng mẹ), như tiếng bố, tiếng ông bà… và những âm thanh của cuộc sống. Bé biết hướng sự chú ý về nơi phát ra âm thanh, biết bắt chước nét mặt của mẹ, bé thích nhìn ngắm mọi người đi lại và hóng chuyện nữa. Mẹ nên lặp lại những gì bé nói, bé sẽ rất thích thú vì bé cảm thấy mẹ thực sự quan tâm đến bé.
• Giai đoạn từ 10 tháng -1 tuổi: Ở giai đoạn này, bé đối thoại nhiều hơn, thậm chí nói một mình khi chơi đồ chơi. Bé biết gọi khi mọi người chưa tập trung vào mình. Càng ngày mẹ càng thấy bé đáng yêu hơn vì bé tỏ ra biết nói chuyện với mẹ. Mẹ hãy thường xuyên nói những câu ngắn gọn, bé sẽ hiểu ngay và làm theo mẹ đấy. Bé biết thể hiện thái độ bằng nét mặt, và cử động tay nữa. Mẹ hãy dạy cho bé cả ngôn ngữ cử chỉ nhé, bé sẽ cần nó để diễn đạt ý muốn của mình khi ngôn từ của bé còn hạn chế.
Nghiên cứu này cũng cho thấy trong năm đầu đời, con đã làm được khối lượng công việc đồ sộ là tiếp thu được khoảng 50 đến 250 ngàn từ. Bạn ngạc nhiên chưa nào?
Và các mẹ hãy đừng bỏ qua giai đoạn đầu đời này để giúp con học nói nhé, bé sẽ cho mẹ phần thưởng là những tiếng "mẹ ơi!" đầy yêu thương.