Thưa chị, hè này, cu Dế con trai chị đã trải qua kỳ nghỉ hè như thế nào?
Con trai tôi hè này được bà đưa đi bơi hàng ngày, và cháu tham gia trại hè tiếng Nga ở Trung tâm văn hóa Nga, mỗi tuần 3 buổi. Tôi thích cho cháu đi học nhảy hip hop vì cu cậu có vẻ hào hứng với môn này, nhưng chưa chọn được nơi sinh hoạt thích hợp. Tôi lên kế hoạch cứ chủ nhật hàng tuần lại cho cháu đi đâu đó ra khỏi thành phố, chỉ cần tìm đến nơi có cây cỏ, có ong bướm, châu chấu, cào cào… - thế là vui sướng lắm rồi!
Cháu chưa bắt đầu học thêm văn hóa, nhưng chắc hết tháng 7 tôi cũng phải cho cháu theo học cùng các bạn. Tháng 8 là rậm rịch phải chuẩn bị vào lớp 2 rồi! Một phần nữa là để… lấp chỗ trống cho những khoảng thời gian mẹ không có nhà.
Thế năm ngoái, chị có phải đau đầu khi phải chọn trường cho cu Dế học lớp 1 không?
Có chứ.
Ở các thành phố lớn của Nga, đặc biệt là Matxcơva, cũng xuất hiện nhiều loại cơ sở giáo dục khác nhau, ngoài hệ thống trường công lập, như các trường quốc tế, tư thục, song ngữ, chuyên ngữ, chuyên âm nhạc... Thế nhưng, một người dân thu nhập ở mức bình thường không phải đau đầu chọn trường cho con. Vì con đã được học ở nhà trẻ, mẫu giáo theo tuyến của mình thì cứ thế lên lớp 1. Cha mẹ không phải “lăn tăn” quá nhiều về trường trái tuyến, trường điểm.
Ở bên Nga, trẻ em bắt đầu đi học văn hóa từ năm 7 tuổi. Tôi cho rằng, họ có cơ sở khoa học để đưa ra quy định này. Trẻ 6 tuổi học lớp mẫu giáo - dự bị lớp 1. Ở đó, chúng được làm quen với chữ, cách cầm bút, các con số, nhưng hoàn toàn bình tĩnh, từ từ, không có áp lực. Từ 7 tuổi, độ tập trung của trẻ đã cao hơn vượt bậc, sức khỏe thể chất và tinh thần cũng vững vàng hơn, đôi tay cầm bút chắc chắn, khéo léo hơn.
Bố mẹ không còn phải lo lắng hoặc ngồi kè kè bên cạnh để giục con học vì “nó cứ để ý đi đâu đâu ấy” hay “viết được mấy chữ là kêu mỏi kêu mệt”… như khi bé con mới được 6 tuổi nữa.
Tôi từng muốn xin cho con vào trường Thực Nghiệm (Liễu Giai) vì rất tâm đắc với những quan niệm giáo dục của thầy Hồ Ngọc Đại. Cuối cùng, tôi vẫn chọn ngôi trường gần nhà cho con, và lại là trường điểm!
Vậy theo chị, các bố mẹ nên chọn trường học như thế nào để giúp con phát triển tốt nhất?
Ở Việt Nam, mỗi bậc phụ huynh có những tiêu chí riêng, kỳ vọng riêng khi chọn trường cho con. Điều này cũng phụ thuộc cả vào mức độ thu nhập hàng tháng của cha mẹ nữa.
Bên cạnh đó, cũng phải xem lại quan niệm xã hội của các bậc phụ huynh khi “gửi con” vào trường học. Nhiều người coi việc chọn được trường “xịn” cho con, hàng tháng nộp đủ tiền cho con có thể theo học ở ngôi trường có phương pháp tiên tiến, cơ sở vật chất tốt… thế là xong nghĩa vụ làm cha mẹ! Họ quay ra bận bịu quá mà chểnh mảng việc gần gũi con hàng ngày.
Tôi luôn mong muốn được gửi con vào một trường học gần nhà và có cơ sở giáo dục tốt! Ở Hà Nội bây giờ, với mức độ khói bụi, giao thông ùn tắc thường xuyên như thế này, việc giảm thiểu thời gian đi lại trên đường cho con là một việc cần thiết. Thế nhưng, trường gần nhà đôi khi lại không được như mình mong muốn, về sĩ số học sinh, về cơ sở vật chất và nhiều thứ khác.
Tôi mơ ước có một ngôi trường gần nhà, không nhất thiết phải là trường điểm (vì càng điểm càng đông!), sĩ số học sinh khoảng 30, cùng lắm là 40, thầy cô giáo yêu nghề yêu trò, phương pháp dạy dựa trên việc hiểu trẻ chứ không gây áp lực, việc ăn ở, dinh dưỡng cho học sinh bán trú được chăm sóc kỹ lưỡng, trường có sân chơi rộng, có cây cối mát mẻ…
Theo tôi, việc cho con vào học trường nào cũng đều có khía cạnh tốt cả. Quan trọng nhất là phải phù hợp với gia cảnh, quan niệm xã hội của từng gia đình và đừng gây bất kỳ áp lực nào cho trẻ là được. Tôi muốn con hạnh phúc trong quá trình thu nạp kiến thức hơn là cần có được một kết quả học tập Giỏi của cháu.
Theo afamily.vn