Gần đây, chị Thoa (Hà Nội) thấy lo lắng không hiểu vì sao cậu con trai hơn một tuổi sinh ra quấy, đêm ngủ không ngon.
Ban ngày chị không dám để con ngủ nhiều, tối trước khi đi ngủ lại lau qua người, thay quần áo cho con thoải mái. Bữa bột tối chị cũng lùi giờ đến 8 giờ, rồi 9 giờ trước khi đi ngủ để đêm con không quằn quại vì đói... Thế nhưng tình hình cũng không cải thiện là mấy.
"Ban đêm, cứ ngủ khoảng hơn một tiếng là bé lại dậy trằn trọc, rồi ngủ tiếp, sáng 6 giờ đã dậy. Mình vừa mất ngủ lại vừa lo không hiểu con có mắc bệnh hay thiếu chất gì không mà lại thế. Thậm chí, mình còn mê tín đốt nhang, đặt kéo, roi đầu giường để đuổi mà nhưng cũng không có tác dụng", chị Thoa buồn bã nói.
"Con không ngủ được làm mình cũng ngủ không yên. Có hôm cả đêm nó thức chơi đến 6 giờ sáng thì lăn ra ngủ còn mình thì mắt nhắm mắt mở chuẩn bị đi làm. Đưa con đi khám thì bác sĩ bảo không sao, không có biểu hiện còi xương hay thiếu chất", chị Hiên cho biết.
Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, như trường hợp con chị Thoa và chị Hiên, trẻ vẫn ăn uống, chơi bình thường, không có biểu hiện gì khác thường thì cha mẹ có thể hoàn toàn yên tâm. Có những trẻ khi nhỏ đêm ngủ hay quấy nhưng đến một độ tuổi nhất định lại ngủ rất ngoan.
"Nhiều bà mẹ đưa con đến khoa khám tỏ ra lo lắng vì đêm bé ngủ không được sâu hay nghiêng bên nọ bên kia, lặn lộn. Có người còn tưởng con mắc bệnh gì nên mới bứt rứt khó chịu như thế trong khi thực tế trẻ lại hoàn toàn khỏe mạnh. Có thể đơn giản chỉ là vì cha mẹ quá lo lắng. Trẻ con cũng như người lớn, đêm ngủ không thể nằm nguyên một vị trí mà có thể lăn lộn trái phải", tiến sĩ Dũng nói.
Bên cạnh đó, cũng theo tiến sĩ có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến bé quấy khóc về đêm, mỗi trẻ mỗi khác nhau. Có thể do ban ngày bé ngủ nhiều nên đêm không muốn ngủ. Hoặc cũng có thể trẻ quấy là do đói, ăn quá no bị đầy bụng, mọc răng, tã ướt nên ngứa ngáy khó chịu, nóng quá hoặc lạnh quá...
"Cha mẹ có thể xem môi trường ngủ của bé đã tốt chưa. Nhiều khi người lớn thấy lạnh mặc quần áo ấm, đắp chăn kín cho con nhưng với trẻ lại là quá nóng, khiến bé ngứa ngáy, khó chịu. Nhiều cha mẹ thấy con ra nhiều mồ hôi lại tưởng con bị còi xương nhưng không phải trẻ nào ra nhiều mồ hôi cũng bị bệnh", tiến sĩ Dũng nói.
Bên cạnh đó, cũng cần tránh cho bé hoạt động mạnh vào buổi tối. Hoạt động nhiều và mạnh trước khi đi ngủ sẽ gây cảm giác hưng phấn, khiến bé khó ngủ, hay tỉnh giấc. Cha mẹ cũng có thể tắm, thay quần áo sạch cho bé trước khi đi ngủ.
Tiến sĩ Dũng khuyến cáo nếu loại bỏ hết tất cả các nguyên nhân mà bé vẫn khó ngủ, cha mẹ có thể đưa con đi khám, đặc biệt khi bé có những dấu hiệu bất thường như: biếng ăn, vã mồ hôi, đặc biệt là mồ hôi trộm...
Theo Afamily