Trông con còn mệt hơn đi làm
Đó là nhận xét của Hoa sau những ngày chủ nhật trông con. Hàng ngày, ông bà trông con cho hai vợ chồng đi làm. Cuối tuần hay ngày nghỉ, ông bà ra nghị quyết: “Hai bố mẹ ở nhà trông Tũn nhé! Ông bà tranh thủ đi thăm họ hàng, đến nhà các cô chú”.
Ngày thường, Hoa chỉ phải trông con tổng cộng có 12 tiếng đồng hồ (10 tiếng là con ngủ). Sáng ngủ dậy, bà đã bế Tũn đi rửa mặt, thay bỉm và cho uống sữa. Chiều về, bà đã tắm rửa và cho Tũn ăn cháo xong xuôi. Hai vợ chồng ăn xong lại bế con vào phòng và 8h tối tắt đèn cho con đi ngủ.
Chủ nhật, hai bố mẹ ở nhà chơi với con một buổi mà như đánh vật. Cho con vào xe tập đi dưới sân, con “phi” ầm ầm, bố chạy theo cũng bở hơi tai.
Mẹ bế con lên nhà, con không chịu ngồi chơi một chỗ, cứ “trèo trẹo” trên tay. Nếu dừng lại một chỗ, Tũn lại cứ trèo qua trèo lại người bố mẹ hoặc lăn từ trên đệm xuống sàn, hay với tay lên bàn đòi đi men. Mẹ luôn chân luôn tay để đỡ con mệt nhoài, còn con chả thấy “xuống sức”. Rồi bé đòi mẹ lấy nhà bóng ra chơi, điều khiển tivi
Có người giúp việc cũng không lại với con
Bé Mi là con gái nhưng cũng không chịu ngồi yên lúc nào. Dù đã thuê người giúp việc nhưng tối nào chơi với con, mẹ Mi cũng thấy mệt nhoài. Con gái gì mà chỉ thích nhảy múa, leo trèo như con trai, rồi bắt mẹ phải nhảy và leo theo. Thấy mẹ vẫn ngồi im là bé mè nheo, kêu trời kêu đất. Có khi, bé còn để vài quyển sách làm chướng ngại vật, bắt mẹ phải nhảy qua.
Mẹ mua sách vở về dụ con tô màu mong ngồi yên một lát. Nhưng bé cũng chỉ tô màu khi có mẹ tham gia. Chẳng hạn, khi bé tô màu đầu con gà thì mẹ phải tô đuôi con gà; khi bé vẽ hình thì mẹ phải cắt, dán vào giấy…
Còn nữa, Mi “bắt” mẹ phải chơi trò cô giáo hay bác sỹ. Lúc thì mẹ làm bệnh nhân – con làm bác sĩ, lúc khác mẹ làm học sinh – con làm giáo viên rồi đổi vai cho con. Hôm nào mải chơi với con quá thì đêm hôm đó, mẹ bị rát cổ họng. Mẹ đi làm về, chỉ muốn đi ngủ ngay mà cũng không xong.
Giảm stress cho bố mẹ
Với những bé nhỏ, dù là bố mẹ hay ông bà/người giúp việc trông nom, nên tạo cho bé một thời gian biểu hàng ngày. Ví dụ, buổi sáng 8 giờ con dậy ăn sữa. Chơi một lát, 9 giờ ru cho con ngủ. 11 giờ con dậy ăn cháo...
Không nên để cho trẻ nhỏ thích chơi đến lúc nào thì chơi hoặc hoạt động theo ý trẻ. Hãy giúp trẻ hình thành thói quen ăn ngủ điều độ, chơi đúng giờ giấc. Điều này giúp bé phát triển khỏe mạnh mà người lớn không thấy “phát mệt” khi phải trông con.
Theo afamily.vn