Hôm nay, cũng như mọi ngày, mẹ đi làm về là hối hả đón con. Nhưng khi gặp cô giáo, mẹ shock sau khi nghe cô nói “Phương Anh tô chữ chậm lắm mẹ ạ”. Ui, mẹ nghe tin đó xong mà thấy “choáng” một phút, rồi mẹ nhìn sang con, con đang cúi gằm mặt nhìn xuống chân, tay mân mê vạt áo, không dám ngẩng lên nhìn mẹ và làm nũng mẹ như mọi ngày.
Trên đường hai mẹ con đi từ trường của con về nhà, chưa bao giờ cảm thấy nặng nề thế. Mẹ vẫn nhớ như in cái cảm giác hôm đó, con thì sợ mẹ, len lén nhìn mẹ, mẹ thì nhìn con nhưng không vui như mọi ngày, có thêm phần trách móc. Dẫu biết là con mới học lớp lá, đang dần làm quen với những chữ cái qua cách đồ chữ thôi. Nhưng có thể một phần mẹ lo lắng cho con, một phần vì tính sĩ diện của người lớn, một phần vì tính hiếu thắng luôn tồn tại trong con người mẹ, và cuối cùng mẹ đã “đổ" lên đầu con.
Mở cửa ra, con nhẹ nhàng rón rén đi vào nhà, không dám hỏi gì mẹ, mẹ vội vàng rút điện thoại ra, nhắn tin cho bố "Anh về nhà ngay đi, em shock, Sông-chin nhà mình học dốt rồi, tô chữ bị cô giáo chê là chậm lắm”.
Rồi tối đó, bố cũng chẳng vội vàng về sớm gì cả, vẫn như mọi ngày, làm cố cho xong công việc ở công ty. Bố về với thái độ bình thản, làm mẹ tức quá, mẹ cố chịu, không nói câu nào.
Lúc ngồi ăn cơm, chỉ duy nhất bố hỏi han tình hình của con như mọi ngày. Hôm nay không có sự góp vui của mẹ, mẹ chẳng nói lời nào.
Bố bảo "Con gái của bố, tô chữ chậm hả. Không sao, ngày xưa khi bắt đầu đi học bố cũng tô chữ chậm lắm. Bà nội cũng lo lắng nhưng chỉ một thời gian sau, bố cố gắng và quyết tâm, cuối cùng bố đồ chữ vừa nhanh vừa đẹp, lại còn được đi thi vở sạch chữ đẹp cơ mà”.
Vừa nghe bố nói thế, mắt con gái mẹ sáng rực lên, như gặp được vị cứu tinh. Rồi con liếc mắt sang mẹ, ý dò xét. Mẹ vẫn không nói gì, chỉ bảo con nhẹ nhàng: "Thôi ăn cơm nhanh lên, rồi hai mẹ con mình lên tô chữ”.
Ui, lần đầu tiên dạy con học, mới thấy nó khó thế nào.
Nhưng dường như Sông-chin của mẹ quyết tâm lắm nhé, học rất nhanh. Và từ đó, cứ đến 8 giờ tối, sau khi ăn cơm xong xuôi, Sông-chin lại vội vàng ngồi vào bàn học, tự giác đến bất ngờ. Có những tối thứ 7, mẹ cho con nghỉ học, nhưng con vẫn ngồi vào bàn học, mẹ bảo "Thôi hôm nay cuối tuần, mẹ cho con gái mẹ nghỉ học”. Nhưng dường như sự tự giác và tính hiếu thắng của mẹ di truyền lên con, con quyết tâm lắm, vẫn cứ “bắt” mẹ dạy.
Chỉ sau một tuần, hôm đó, mẹ cũng đón con và lần này mẹ hạnh phúc khi nghe cô giáo nói "Mẹ à, con gái mẹ có tiến bộ rõ rệt, đồ chữ nhanh lắm”. Mẹ lại nhìn sang con, lần này, mắt con mở to, long lanh nhìn mẹ, rất tự tin.
Mẹ và con lại về nhà. Trên đường về lần này khác hoàn toàn với cũng thời gian này của tuần trước, con líu lo “kể công”. Mẹ vui mừng vòng một tay ra sau, kéo con ngồi gần mẹ hơn, con hiểu ý của me, ôm eo mẹ chặt hơn.
Mẹ vui mừng khôn tả, mẹ lại nhắn tin cho bố "Hôm nay bố về sớm nhé, Sông-chin nhà mình đươc cô giáo khen là tô chữ nhanh lắm, có tiến bộ rõ ràng”.
Rồi mẹ vui vẻ lao vào nấu cơm dọn dẹp, chuẩn bị cho bữa tối, con thì lăng xăng cạnh mẹ, giúp mẹ việc nhà. Sau khi mẹ nhắn tin cho bố 15 phút, đã thấy bố bấm còi “bim bim’ gọi to ngoài cổng "Sông-chin ơi, con gái ơi, mở cửa cho bố”.
Mẹ đứng trong bếp, cười thầm. Hóa ra lần trước, khi mẹ thông báo tin “buồn” đó, chắc bố cũng không vui, nhưng lần này, bố vội vàng về ngay. "Đàn ông, họ che giấu cảm xúc bao giờ cũng giỏi hơn phụ nữ. Nhưng họ cũng chẳng khác gì phụ nữ cả. Vì đã là bố, là mẹ, thì ai cũng có chung sự lo lắng cho con cái mà thôi”, mẹ thầm nghĩ.
Và từ hôm đó, tối nào cũng thế, thành một thói quen, cứ đúng 8 giờ tối, hai mẹ con mình lại ngồi vào bàn học, “cùng nhau” học bài. Bao nhiêu sự kiện vui chơi, mẹ gác lại hết. Hai mẹ con cùng học cùng chơi, nhưng chỉ quanh quẩn bên cái bàn học màu hồng xinh xắn của con gái.
Theo Afamily