Công việc phải dùng móng tay thường xuyên như đánh máy cũng kích thích móng phát triển nhanh hơn. Hay đơn giản, ở những người thuận tay phải, móng tay bên phải mọc nhanh hơn bên trái và ngược lại. Móng cũng mọc nhanh hơn khi phụ nữ đang mang thai. Ngoài ra, một số loại thuốc cũng ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của móng.
BS Nguyễn Trọng Hào, Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết, mỗi tháng, chiều dài của móng tay mọc với tốc độ 3mm - 4mm, trong khi móng chân mọc chậm hơn, tốc độ chỉ bằng 40% móng tay. Khi móng tay dài ra, nhiều người có thói quen cắt cho xong chuyện, chứ không để ý kỹ thuật cắt như thế nào nhằm tránh tổn thương cho móng.
Ảnh: Internet |
Trước khi cắt móng, nên rửa bàn tay với nước ấm để làm mềm móng. Khi cắt móng, nên cắt tròn theo bờ móng, riêng các góc móng không nên cắt tròn mà giữ theo góc vuông, hai bờ bên nên giữ thẳng, tránh cắt hai góc móng một cách không cần thiết. Cắt theo đường phát triển tự nhiên của móng giúp móng khỏe hơn. Cắt móng đúng cách giúp tăng cường sức mạnh cho móng và phòng ngừa móng chọc thịt.
Trước khi cắt lớp da dư thừa để móng trở nên gọn gàng, cần nhẹ nhàng tách biểu bì ra khỏi bản móng. Ngâm ngón tay vào nước ấm vài phút để làm mềm da trước khi cắt tỉa. Và khi dũa móng, chỉ nên dũa bờ tự do giúp ngăn ngừa tách và nứt móng.
Sức chịu đựng của móng không chỉ liên quan đến thành phần mà còn đến hình dạng móng. Dạng cong của móng bình thường làm cho móng khỏe hơn dạng dẹt.
Ngoài ra, không nên coi móng như một dụng cụ để mở nắp nồi, nắp đồ uống… Khi móng dài, mọc nhô ra khỏi đầu ngón tay có khuynh hướng dễ gãy, vỡ, vì vậy không nên để móng mọc quá dài. Tránh cắn móng tay, tiếp xúc với nước, chất tẩy rửa và xà phòng lặp đi lặp lại dẫn đến khô và tổn thương móng.
Ngọc Hà (ghi)