Đã là phụ nữ, thì không ai không một lần lo lắng về vấn đề kinh nguyệt (KN), trong đó thường nhất là KN không đều. Trên cơ sở khoa học của nhiều công trình nghiên cứu gần đây đã cho thấy, người có chu kỳ KN không đều dễ mắc một số bệnh như: bệnh buồng trứng đa nang, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, loãng xương, béo phì, tăng cholesterol và mãn kinh sớm.
Thế nào là KN không đều
Trong đời sống sinh lý người phụ nữ, từ khi còn trong bào thai, buồng trứng đã bắt đầu hoạt động, nhưng mãi đến năm 13 - 16 tuổi thì hoạt động của buồng trứng mới đủ để trưởng thành và từ lúc đó âm đạo của người phụ nữ bắt đầu có hiện tượng ra máu, theo chu kỳ hoạt động của buồng trứng gọi là hành kinh và hoạt động đến tuổi 45 - 55 thì kết thúc, gọi là tuổi mãn kinh. Vì vậy, hoạt động KN của người phụ nữ, đặc biệt là tình trạng KN không đều là một yếu tố liên quan mật thiết đến sức khỏe và chức năng sinh sản của nữ giới.
KN là trạng thái sinh lý bình thường ở nữ giới, trung bình có khoảng 500 lần hành kinh trong cả cuộc đời, khi mới bắt đầu hành kinh khoảng 2 - 3 năm đầu đời, chức năng của buồng trứng phát triển chưa được hoàn thiện, nên việc hành kinh vẫn chưa đi vào chu kỳ đều đặn, nhưng sau đó sẽ đi vào hoạt động theo quy luật nhất định nên được gọi là “chu kỳ”. Phần lớn chu kỳ KN bình thường là từ 28 - 30 ngày, có thể nhanh hơn hoặc chậm đi 3 - 5 ngày, tức là người có chu kỳ KN trong khoảng từ 21 - 35 ngày với nhịp độ tương đối ổn định, cũng được xem là bình thường, thời gian hành kinh kéo dài trung bình 3 - 5 ngày. Lượng máu hành kinh là tổng lượng máu chảy ra của KN mỗi tháng, thông thường khoảng 50 - 80ml, thường khó xác định, chỉ thấy qua máu thấm băng, mỗi ngày thay băng vệ sinh từ 3 - 5 lần là bình thường. Tính chất máu kinh có màu đỏ sẫm, không đông, có nhiều chất vụn của tế bào niêm mạc âm đạo - tử cung và nhiều vi khuẩn có sẵn trong âm đạo. Có vài triệu chứng nhẹ trong hành kinh như: hơi nặng, trằn ở bụng dưới, mệt mỏi, có cảm giác nóng nảy, kém bình tĩnh hơn bất thường. Khi “chu kỳ” trên bị phá vỡ, không theo một quy luật nhất định thì được gọi chung là rối loạn KN. Theo ghi nhận của các nhà y học thì có khoảng 1/3 trường hợp rối loạn KN đến khám tại các phòng khám phụ khoa.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây nên KN không đều rất đa dạng và phức tạp, đôi khi khó xác định, có thể do nhiều nguyên nhân cấu thành như: mất cân đối về dinh dưỡng, chế độ ăn thiếu chất đạm, thiếu vitamin, chủ yếu là nhóm vitamin có liên quan trực tiếp đến hoạt động nội tiết sinh dục như: vitamin E, C và A; do tinh thần không ổn định, căng thẳng trong công việc, trong học tập, trong môi trường sống, điều kiện làm việc, tình cảm riêng tư… Bên cạnh đó còn có một số nguyên nhân do bệnh lý như: bệnh lý ở vùng dưới đồi, vùng tuyến yên, buồng trứng, tử cung, tuyến thượng thận, tuyến giáp, bệnh tâm thần… đều dẫn đến KN không đều; tình trạng trên, các nhà khoa học thấy có liên quan mật thiết đến bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, loãng xương. Theo BS. Careb Solomon đã nghiên cứu trên 82.000 trường hợp, tuổi từ 20 - 35, có KN không đều trong suốt 14 năm, trong đó có 1.417 người mắc bệnh tim mạch và 838 người bị tai biến mạch máu não. Theo BS. Jacques Young, chuyên khoa nội tiết và sinh sản thì thấy rằng người có KN không đều, báo trước dấu hiệu của hội chứng buồng trứng đa nang, bệnh đái tháo đường và bệnh loãng xương…
Điều trị
Ngày nay y học hiện đại đã có nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực, trong đó có sản phụ khoa, cho nên để tránh sai lầm, thậm chí gây hậu quả đáng tiếc trong điều trị, người bệnh cần được khám và chẩn đoán bằng các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh... để điều trị hiệu quả nhất. Nếu KN không đều chỉ xảy ra đôi lần, đặc biệt trong thời kỳ đầu của hành kinh và thời kỳ tiền mãn kinh, thì thường ít liên quan nhiều đến bệnh lý thực thể. Tuy nhiên, nếu mắc phải có tính chất thường xuyên và kéo dài hơn thì đừng nên xem thường, vì đây có thể là triệu chứng của một căn bệnh nào đó đang tiềm ẩn trong cơ thể, nên việc làm đầu tiên là cần được kiểm tra sức khỏe tổng quát, khám phụ khoa, trong đó ưu tiên kiểm tra siêu âm, là một trong những phương pháp giúp chẩn đoán nhiều bệnh đường sinh dục dễ dàng, nhanh chóng, không xâm lấn, rẻ tiền mà độ chính xác khá cao. Kiểm tra tuyến giáp và một số xét nghiệm máu có liên quan hormone sinh dục như: định lượng FSH, LH, estradiol, prolactine, estrogen, progesterone, hormone tuyến giáp... Cần áp dụng phương pháp điều trị đơn giản trước như bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể, vì khi bị rối loạn KN, cơ thể thường mệt mỏi, khó chịu; tăng cường vitamin nhóm B, thịt, cá, trứng, sữa, ăn nhiều các loại trái cây hoa quả; hạn chế ăn các loại chất béo, rượu, bia, cà phê, thuốc lá; ổn định tinh thần, cân bằng cuộc sống, điều trị cao ích mẫu trong 3 - 5 chu kỳ, nếu vẫn chưa kết quả thì nhất thiết phải được tư vấn và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa…
Phòng bệnh
Về phòng bệnh, trước hết cần tạo cho mình có một cuộc sống thoải mái, có một chế độ ăn, chế độ học tập, làm việc, nghỉ ngơi cho hợp lý, tránh căng thẳng thần kinh và stress trong cuộc sống, cần vệ sinh phụ nữ đúng cách để tránh viêm nhiễm sinh dục, phòng các bệnh lây truyền qua đường tình dục sẽ dẫn đến viêm phần phụ mạn tính, viêm vùng chậu. KN là một phần trong đời sống sinh lý bình thường của người phụ nữ, vì vậy mỗi phụ nữ cần có những kiến thức cơ bản, để không ngoài mục đích là tự chăm sóc mình. Khi có những biểu hiện KN không đều chớ xem thường, vì có thể liên quan tới các bệnh lý tiềm ẩn khác, nên cần quan tâm để xử lý kịp thời, để luôn có cuộc sống vui, khỏe và đầy ý nghĩa.
--------------------------------------------------