Viêm âm đạo là căn bệnh vô cùng khó chịu mà chị em dễ dàng gặp phải trong thời tiết oi bức của mùa hè.
Bình thường trong âm đạo của phụ nữ thường chứa nhiều vi khuẩn nhưng viêm âm đạo xảy ra khi vi khuẩn thường trú trong âm đạo bị biến đổi do tác nhân bên ngoài đưa vào (nhiễm vi sinh từ ngoài) hay do thay đổi môi trường âm đạo tạo điều kiện thuận lợi cho chúng hoạt động gây bệnh.
Nguyên nhân dẫn đến viêm âm đạo
- Nấm men Candida, trùng roi Trichomonas vaginalis và tạp trùng (bacterial vaginosis). Đây là nguyên nhân chiếm 90% các trường hợp viêm âm đạo
- Vệ sinh vùng kín không thường xuyên, chưa đúng cách: nhất là trong thời kỳ kinh nguyệt, hậu sản, thai nghén.
- Sử dụng sản phẩm rửa phụ khoa hàng ngày không thích hợp.
- Thụt rửa âm đạo khi không có chỉ định của bác sỹ
- Sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh để tắm rửa.
- Lây nhiễm qua đường tình dục khi quan hệ với chồng (bạn trai) đã nhiễm hoặc đang có nguy cơ nhiễm bệnh.
- Thực hiện các thủ thuật y khoa không đảm bảo vô trùng.
- Ngoài ra, một số phụ nữ đang dùng kháng sinh, đang mang thai, đang dùng viên uống tránh thai kết hợp,... là thời điểm thuận lợi cho các vi sinh vật có hại sống cộng sinh ở âm đạo dễ phát triển quá mức gây viêm nhiễm.
Biểu hiện của bệnh viêm âm đạo
Biểu hiện chung:
- Ngứa ngáy khó chịu vùng âm đạo
- Khí hư ra nhiều
- Khí hư có mùi hôi và có màu.
Cụ thể:
- Viêm âm hộ - âm đạo do vi khuẩn: Dịch tiết âm đạo hôi; Có ban đỏ, phù quanh âm hộ; Ngứa âm hộ.
- Viêm âm hộ - âm đạo do nấm: Dịch tiết âm đạo trắng đục như váng sữa, dính ở các môi nhỏ, thành âm đạo (thường không có mùi hôi); Có ban đỏ, phù nề, ngứa âm hộ; Cảm giác sót, đau rát khi đi tiểu, giao hợp.
Việc chữa trị viêm âm đạo tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm âm đạo. viêm âm đạo do bất kỳ yếu tố nào cũng cần do bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và chỉ định điều trị, không tự ý dùng thuốc. Khi thấy các dấu hiệu trên, chị em phụ nữ nên đến các phòng khám chuyên khoa phụ sản để được điều trị đúng cách và kịp thời.
Cách phòng ngừa viêm âm đạo tái phát
- Tắm rửa thường xuyên (nhất là trong thời kỳ kinh nguyệt), vệ sinh âm hộ hàng ngày, sau mỗi lần đi đại tiện bằng dung dịch vệ sinh phụ nữ chuyên dụng hằng ngày.
- Luôn luôn giữ cho bộ phận sinh dục ngoài khô, sạch, không sử dụng những dụng cụ, khăn, vật lạ đưa vào trong âm đạo để lau âm đạo, âm hộ vì bất cứ lý do nào. Tránh mặc quần chật, thay quần lót thường xuyên.
- Băng vệ sinh phải đảm bảo sạch, đủ thấm và còn thời gian sử dụng qui định, 4 - 6 giờ phải thay một lần.
- Không nên dùng nước bẩn có chứa nhiều vi sinh vật, nước thải như nước ao hồ, kênh rạch... để tắm rửa, vệ sinh vùng kín.
- Không nên dùng xà bông hay các chất tẩy rửa mạnh, chất kháng khuẩn để vệ sinh vùng kín.
- Không tự thụt rửa âm đạo khi không có chỉ định của bác sĩ.
- Tránh uống rượu, hút thuốc lá: Chất kích thích nicotin trong thuốc lá có thể làm cho lượng oxy trong máu giảm đi nên lượng máu cung cấp cho “vùng kín” cũng bị giảm lượng oxy cần thiết. Rượu lại làm cho “vùng kín” của người phụ nữ thường xuyên trong tình trạng nóng ẩm nên càng tạo điều kiện cho vi khuẩn nấm phát triển, gây bệnh viêm âm đạo.
- Tránh ăn đồ cay nóng: Thực phẩm cay, nóng sẽ làm tăng chất độc tích tụ trong cơ quan nội tạng, làm cho nước tiểu đậm màu, hậu môn nóng rát, và tạo môi trường cho các vi khuẩn gây viêm âm đạo càng phát triển khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.
- Tránh thức ăn ngọt, béo (nhiều dầu mỡ): Các loại thực phẩm béo ngậy, nhiều dầu mỡ như mỡ, bơ, thịt lợn… và thực phẩm chứa hàm lượng đường cao như kẹo, chocolate, bánh kem… cũng khiến nhiệt độ ở vùng sinh dục cao hơn một chút và làm tăng lượng bài tiết âm đạo và ảnh hưởng lớn đến việc điều trị viêm âm đạo.
--------------------------------------------------