Một chút tính toán thiệt hơn, một chút kém tinh tế… đủ để đẩy người ta vào ngõ cụt có tên gọi “độc thân”.
Ngố thứ thiệt!
Hơn 3 năm qua, Ezen Ho, 28 tuổi, liên tục tham gia các buổi tiệc hẹn hò, các chương trình làm quen, kết bạn do những đơn vị nhà nước cũng như các công ty mai mối tư nhân, hay bạn bè tổ chức. Ngoài ra, cô quản lý
marketing của một công ty lớn cũng không tiếc tiền tổ chức những chuyến dã ngoại và du lịch đến tận đỉnh Himalaya, Nam Mỹ, Úc… để kiếm bạn.
Ezen kể với tờ báo giải trí Urban, một ấn phẩm phụ của báo Straits Times: “Tôi đã tham gia các sự kiện kết bạn từ năm 25 tuổi vì tôi muốn sớm tìm được người đàn ông của đời mình. Tôi thường là ứng viên trẻ nhất, trong khi các cô khác đều ngoài 30”. Ấy thế nhưng đến nay, cô cử nhân ĐH Quản trị Singapore vẫn chưa tìm được người tâm đầu ý hợp.
Tuy nhiên, Ezen không hiểu chính cô cũng mắc sai lầm. Chuyên gia thẩm mỹ Melissa Yeo chỉ ra rằng có thể Ezen không “bắt chết” được chàng nào suốt 3 năm qua bởi cô không biết cách ăn mặc. Cô ta thường đến với các buổi hẹn hò với quần jeans, áo thun, giày cao su và chả bao giờ trang điểm.
Còn ông Andrew Chow, chủ doanh nghiệp chuyên mai mối Table For Six, kể một câu chuyện “thốn ruột” khác: Một anh chàng đến dự chương trình làm quen do công ty ông tổ chức. Vừa bắt chuyện với một phụ nữ, anh ta hỏi: “Cô có bao nhiêu tiền trong tài khoản CPF?”. CPF là quỹ tiết kiệm mà Chính phủ Singapore lập ra và buộc người lao động phải trích thu nhập đóng vào, đặng có cái mà xài khi cần kíp hoặc về già. Ông Chow thuật lại rằng chàng ngố kia đã nghĩ đó là một câu hỏi rất thông minh: “Anh ta được dạy rằng hỏi lương bổng của phụ nữ là thô lỗ, nên chỉ cần biết số tiền trong tài khoản CPF là có thể đoán được triển vọng tài chính của cô ấy!”.
Như nấm sau mưa
Theo số liệu công bố hồi tháng 6.2010 của Bộ Phát triển cộng đồng - Thanh niên và Thể thao Singapore, có đến 41,9% nam giới nước này ở độ tuổi 30 - 34 còn độc thân, so với 33,2% năm 1999. Tương tự ở phụ nữ, 29% độc thân, so với 21,7% năm 1999.
Chính cái tỷ lệ độc thân thuộc hàng “khủng” và ngày càng gia tăng này mà nghề mai mối có đất để phát triển. Với quy mô một thành phố chưa đầy 5 triệu dân, Singapore có đến 12 công ty mai mối, chuyên thiết kế các sự kiện cho thanh niên độc thân gặp nhau. Chưa kể nhiều tổ chức xã hội, học thuật như Tổng cục Thư viện, Hiệp hội Nhân dân… cũng “lăn xả” vào chiến lược giúp đỡ người dân tìm vợ tìm chồng nhằm khắc phục tình trạng thiếu nhân lực. Hồi cuối năm 2009, Chính phủ Singapore đã sáp nhập hai tổ chức phát triển cộng đồng thành cái gọi là Mạng lưới phát triển xã hội (SDN) với nhiệm vụ tối cao là giúp nam nữ gặp nhau và khuyến khích họ lập gia đình sớm.
Từ khi thành lập đến nay, SDN cho hay đã có 9.000 người độc thân tham dự các sự kiện do SDN và các đối tác khác tổ chức. Còn các công ty mai mối thì cho biết số người chi tiền tham dự các sự kiện làm quen, các khóa học đào tạo kỹ năng hẹn hò… tăng 30 - 50% so với vài năm trước đây. Người ta cũng ghi nhận sự giảm dần mặc cảm tự ti ở người độc thân và điều đó khiến họ tự tin hơn khi đến với các buổi tìm bạn.
Giám đốc Công ty mai mối My Perfect Link, bà Maggie Lim nhận định rằng sự biến chuyển của tâm lý mặc cảm ở người độc thân là nhờ các mạng xã hội như Facebook, Twitter. Từ việc chia sẻ, cởi mở, đôi khi là ẩn danh, trên không gian mạng, người độc thân trở nên tự tin hơn trong đời sống thực.
3 dạng người độc thân ở Singapore 1. Tiền là lẽ sống Người thuộc loại này thường xem quan hệ yêu đương như một sự đầu tư tiền bạc và hôn nhân là sự hợp tác tài chính. Và, họ cũng không dám bỏ tiền tham dự các buổi hẹn hò dù có thể thu nhập của họ không tồi. 2. Công việc là trên hết Bi kịch đối với nhóm người này là họ đặt công việc lên trên hết. Phần đông họ là những người có công việc tốt, lương cao, có kỹ năng giao tiếp rất tốt. Cái họ thiếu là thời gian, và việc mà họ thích làm nhất trong lúc rảnh là… ngủ. 3. Ngố thứ thiệt Người độc thân dạng này khiến các công ty mai mối phải đau đầu. Họ không có khái niệm gì về thẩm mỹ, cách ăn mặc, và những kỹ năng giao tiếp tối thiểu. Ezen Ho và anh chàng có câu hỏi “thông minh chết người” được kể ở phần trước là hai “điển hình” của nhóm này. |