Nhắn tin giúp bạn chuyển tải nhiều thông điệp ý nghĩa đến bạn trai một cách gián tiếp và đôi khi hiệu quả hơn cả nói chuyện trực tiếp. Nhưng cũng có lúc nó lại phản tác dụng nếu bạn mắc phải một số sai lầm sau.
Tranh cãi bằng tin nhắn
Nhắn tin cũng là một kênh đánh giá mức độ hài lòng của các cặp đôi về mối quan hệ của mình. Nếu các tin nhắn gửi/nhận chứa đầy lời lẽ yêu thương, nó cho thấy cả hai đang hạnh phúc với nhau.
Trái lại, sự xuất hiện càng nhiều tin nhắn cãi vã, tranh luận chứng tỏ hai người không hài lòng về nhau. Song nếu như tranh cãi bằng lời nói có thể giải quyết dứt điểm vấn đề thì cãi nhau bằng tin nhắn dễ hủy hoại mối quan hệ.
Khi mâu thuẫn thể hiện qua tin nhắn, bạn sẽ không nhìn thấy thái độ, cảm nhận được cảm xúc, suy nghĩ của đối phương nên hiểu lầm là điều dễ xảy ra. Và nếu bạn nhất quyết không chịu mặt đối mặt với chàng để giải quyết mâu thuẫn mà tiếp tục nhắn tin, nhiều chàng trai sẽ chọn cách bỏ mặc bạn gái với mớ tin nhắn hỗn độn đó.
Nhắn tin 24/7
Nếu như phụ nữ luôn coi nhắn tin là cách bày tỏ tình cảm, sự quan tâm đến nửa kia thì không mấy chàng trai ủng hộ quan điểm này. Trái lại, những cô gái nhắn tin quá thường xuyên, bắt người yêu theo dõi tin nhắn với tần suất dày đặc 24 giờ /7 ngày, đàn ông cảm thấy vô cùng phiền nhiễu và muốn "bỏ chạy" ngay lập tức.
Theo cách nghĩ của chàng, việc nhắn tin thường xuyên cho thấy bạn rảnh rỗi đến mức không có việc gì làm ngoài quan tâm tới anh ấy. Đồng nghĩa với đó là bạn không có cuộc sống riêng, các mối quan hệ riêng, quá phụ thuộc vào chàng... Với đàn ông, yêu một cô nàng như vậy thực sự là thảm họa bởi họ lo lắng trước nguy cơ mình sẽ đánh mất tự do của bản thân.
Bày tỏ thái độ của mình qua tin nhắn
Tương tự như cãi nhau, cố gắng bày tỏ một quan điểm, thái độ cá nhân đối với bạn trai bằng cách nhắn tin thực sự là ý tưởng sai lầm.
Trước hết, tin nhắn có thể không chuyển tải đúng thái độ của bạn. Thứ hai, nếu quan điểm của bạn không thống nhất với ý kiến của chàng thì nó chẳng khác nào một cuộc tranh cãi khó có điểm dừng. Và điều này chắc chắn không hề tốt cho mối quan hệ của hai người.
Mỗi khi giận dỗi chàng, hãy gọi cho anh ấy và nói rằng mình giận vì lý do gì. Đừng bắt chàng chơi trò nhắn tin và đoán mò thái độ của bạn qua các tin nhắn, chàng sẽ không đủ kiên nhẫn với bạn đâu.
Quấy nhiễu khi chàng không trả lời tin nhắn
Một trong nhiều sai lầm các nàng thường mắc phải với người yêu là tỏ thái độ giận dỗi, trách cứ, thậm chí có hành động quấy nhiễu mỗi khi nhắn tin cho bạn trai mà không được đáp lại ngay lập tức.
tâm lý chung của đàn ông là không mấy quan tâm tới các tin nhắn, đặc biệt nếu bạn nhắn tin quá nhiều, họ còn cảm thấy phiền toái. Hơn thế nữa, khi chàng đang tập trung vào công việc hay việc gì đó, không phải lúc nào chàng cũng nhận ra có thông báo tin nhắn đến.
Một lý do khác nữa là đôi khi chàng đã đọc tin nhắn gửi đến nhưng không biết nhắn lại như thế nào... Đó là tất cả nguyên nhân khiến bạn tức tối vì không nhận được tin nhắn trả lời của chàng một cách nhanh nhất.
Song nếu khi rơi vào tình huống này, bạn "khủng bố" chàng bằng cách liên tục nhắn tin, gọi điện buộc anh ấy phải trả lời ngay tức khắc thì điều bạn nhận lại chỉ là sự dị ứng của chàng.
Trong trường hợp mối quan hệ của bạn mới bắt đầu, chàng sẽ nghĩ bạn quá phụ thuộc và muốn kiểm soát chàng; còn với mối quan hệ lâu dài, chàng nghĩ bạn quá thiếu tôn trọng người yêu... Và hậu quả xấu hơn là chàng muốn chia tay với bạn chỉ vì bị làm phiền quá nhiều mỗi khi không nhắn tin trả lời.
Đề cập đến những điều quan trọng
Nhiều nghiên cứu tâm lý đã chỉ ra: trong khi những tin nhắn tình cảm, đong đầy yêu thương giúp các cặp đôi hạnh phúc hơn thì trái lại, những tin nhắn đề cập đến các vấn đề nặng nề, nghiêm trọng lại dễ khiến các đôi xa nhau.
Những vấn đề mang tính quyết định, quan trọng hay cấp thiết với cả hai người, tốt nhất các cặp đôi nên nói chuyện trực tiếp với nhau. Trong trường hợp bất đắc dĩ, bạn cũng nên gọi điện thay vì nhắn tin.
Nếu bạn cứ khiến chàng mất thời gian bằng cách nhắn tin để giải quyết một vấn đề quan trọng, không những vấn đề khó có thể giải quyết mà còn làm chàng rất khó chịu, bực tức. Nguy cơ lớn xảy ra là những tin nhắn không chuyển tải chính xác suy nghĩ của bạn và nội dung vấn đề, nên từ một chuyện nhỏ, hai người yêu nhau có thể gặp phải một rắc rối lớn hoặc vướng phải vấn đề nghiêm trọng khác.
Ngoài ra, những vấn đề hệ trọng như chuyện công việc, tương lai... nếu bạn nói qua tin nhắn, chàng sẽ nghĩ vấn đề đó không được bạn coi trọng. Đó cũng là suy nghĩ không tốt về phía bạn.
Nhắn "Chúng ta cần nói chuyện!"
Với các chàng trai, đây là một trong những tin nhắn tồi tệ nhất mà họ không mong sẽ nhận được. Đặc biệt nếu tin nhắn này được gửi đến từ bạn gái thì họ càng dị ứng.
Chắc chắn chẳng chàng trai nào muốn nhìn thấy những dòng chữ cụt lủn và đầy khó hiểu như trên trong màn hình điện thoại của mình. Bởi lẽ, tin nhắn này sẽ khiến tâm trí họ bị lấp đầy với nỗi sợ hãi, lo lắng đến mức muốn "nổ tung" đầu. Họ vừa tò mò không biết có chuyện gì nghiêm trọng đang diễn ra, vừa sợ rằng mình đã làm việc gì đó không ổn...
Các chàng trai quá sợ tin nhắn này, không phải bởi họ "chột dạ" vì mình đã làm điều gì mờ ám mà bởi con gái thường xuyên nhắn tin như vậy trong khi sự việc không có gì quá quan trọng.
Cánh mày râu coi đó là kiểu nhắn tin "bỏ bom", nếu một lần có thể khiến họ sợ hãi nhưng lặp lại nhiều lần, họ chỉ muốn bỏ chạy vì cách nhắn tin đó đã để lại những hậu quả mà con gái không lường hết như: gieo vào lòng họ nỗi lo lắng, sợ hãi, hoang mang, mất thời gian, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của phái mạnh...