Hầu hết sách giáo khoa đang sử dụng ở các cấp học trong nhà trường hiện nay đều không có nội dung giáo dục giới tính. Không ít học sinh - và cả giáo viên nữa - khi đề cập đến vấn đề này thì trở nên lúng túng vì coi đây là vấn đề nhạy cảm. Vì thế, trong trường học, giáo dục giới tính vẫn là một khoảng trống.
Mới đây, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm Hội Bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em và Kế hoạch hóa gia đình (BVSKBMTE-KHHGĐ). Theo thông tin tại Hội nghị, hiện tượng quan hệ tình dục trước hôn nhân đã trở nên phổ biến trong lứa tuổi vị thành niên ở nhiều thành phố lớn, kéo theo tỷ lệ nạo hút thai trong độ tuổi này có xu hướng ngày càng tăng.
Và theo thống kê của UB,DSGĐ&TE, các trường hợp nạo phá thai ở tuổi vị thành niên chiếm tới 30% tổng số các ca nạo phá thai. Trong khi đó, 50% các ca nhiễm HIV/AIDS là dưới độ tuổi 25. Nguyên nhân do sự thiếu kiến thức cần thiết về tình dục và sinh sản.
Tại những cơ sở y tế có liên quan đến vấn đề phụ sản và kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn Đà Nẵng, hàng năm số liệu thống kê về những ca nạo phá thai vẫn có chiều hướng gia tăng và rõ ràng đây là một thực tế hết sức đáng báo động.
Lý giải hiện trạng này, một cán bộ chuyên môn cho biết: Do xã hội phát triển, mức sống cao, việc tiếp xúc với phim ảnh, sách báo có hình ảnh gợi dục đã tác động đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ.
Tuy nhiên, hầu như trẻ không hiểu biết gì về giới tính, hoặc hiểu biết hạn chế, lệch lạc. Đã có nhiều trường hợp mẹ dắt con gái mới học lớp 9, lớp 10 đến cơ sở phụ sản trong tâm trạng lo lắng, nước mắt ràn rụa... Khi được cán bộ tiếp nhận hỏi han thì họ thật thà tâm sự: "Cháu từ nhà đến trường, từ trường về nhà đều có người đưa đón, cứ đinh ninh là nó ngoan ngoãn, mình quản lý được con, ai dè...".
Thực ra, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng: Thực trạng trên không hoàn toàn do lỗi của các em, khi mà các em không hề được trang bị một cách đầy đủ, khoa học và chính thức các kiến thức về giới tính và sức khỏe sinh sản.
Có thể nói rằng: Đầu mối quan trọng nhất trong việc giáo dục giới tính trẻ vị thành niên là cha mẹ và nhà trường. Thế nhưng thực tế, phần lớn các bậc cha mẹ không hẳn ai cũng hiểu biết đầy đủ và khoa học về giới tính. Mặt khác, nếu có hiểu, họ cũng không dễ dàng gì đề cập vấn đề này với con cái.
Còn ở nhà trường, hiện nay thỉnh thoảng có một cuộc thi tìm hiểu về những kiến thức về sức khỏe sinh sản và giới tính. Một số tờ báo có chuyên mục hỏi đáp về sức khỏe sinh sản và giới tính cho học sinh bậc THPT, nhưng hiệu quả chưa cao.
Tìm hiểu về vấn đề này, một giáo viên có thâm niên trong ngành giáo dục bức xúc: Vấn đề giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho học sinh là rất cần thiết và quan trọng, nhất là khi tình hình học sinh sớm có quan hệ nam nữ trước tuổi, tình trạng nạo phá thai đang "báo động đỏ". Nhưng để giáo viên nói với các em về vấn đề này là rất khó. Nội dung giảng dạy ra sao? Trình độ chuyên môn thế nào? Chưa hề có một công trình nghiên cứu nào về giáo dục giới tính cho vị thành niên trong nhà trường như thế nào là phù hợp. Tác dụng giáo dục giới tính còn bất cập, chưa rõ ràng...
Trong khi đó, hầu hết sách giáo khoa đang được sử dụng để giảng dạy trong nhà trường hiện nay đều không có nội dung về giáo dục giới tính. Chúng tôi có thể đưa ra đây một số liệu thống kê để bạn đọc có thể tham khảo: Sách Tự nhiên và xã hội của cấp Tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5 không có dòng nào về vấn đề này. Sách Tự nhiên và xã hội lớp 3 có phần "Con người và sức khỏe", nhưng phần con người không đề cập đến sinh lý và giới tính. Sách Khoa học lớp 4 viết về con người, sức khỏe, năng lượng, thực vật, động vật nhưng cũng không có vấn đề giới tính.
Ở trường THCS, sách giáo khoa Sinh học lớp 6 chỉ giới thiệu thực vật và các vấn đề của thực vật. Sinh học lớp 7 đề cập đến động vật và tiến hóa của động vật, đời sống con người khái quát. Sinh học lớp 9 giới thiệu di truyền và biến dị, sinh vật và môi trường.
Toàn bộ sách giáo khoa môn Giáo dục công dân trong nhà trường từ cấp Tiểu học đến cấp THPT đều không có chương, bài nào nói về cách ứng xử và các hành vi giới tính. Sách giáo khoa Giáo dục công dân lớp 11 có bài về tình yêu nhưng chỉ thuần túy là các khái niệm thuộc đạo đức học.
Sách giáo khoa Sinh học THPT cũng không khả quan gì. Sinh học lớp 11 và lớp 12 vẫn bỏ qua nội dung SKSS, giới tính.
Chỉ duy nhất có Sinh học lớp 8 đề cập đến con người trong chương 11 với các vấn đề về sinh sản gồm 7 bài từ trang 187 đến trang 207. Tuy nhiên, cũng không có dòng nào hướng dẫn về hoạt động tình dục, tình dục an toàn, làm thế nào để tránh quan hệ tình dục khi chưa sẵn sàng... Nói chung là không có bất cứ kiến thức nào về giới tính một cách sâu sắc và phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi.
Ở một số trường bậc THPT, trong chương trình ngoại khóa của mình đã "mon men" đưa việc giáo dục sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính vào nội dung công việc. Tuy nhiên, trên thực tế khi đề cập đến vấn đề mà theo học sinh và thậm chí cả giáo viên là "nhạy cảm" này thì... cả thầy và trò cùng bối rối, đỏ mặt ngượng ngùng.
Giáo dục những hiểu biết về tâm lý, sinh lý, vệ sinh tuổi dậy thì, những biến đổi và khác biệt về tính cách em trai em gái do các hocmon từ các tuyến sinh dục gây ra; Giáo dục kỹ năng giao tiếp ứng xử trong quan hệ giữa bạn trai, bạn gái ở tuổi vị thành niên với cha mẹ, anh em trong gia đình; Hiểu biết sâu sắc các giá trị của tình bạn, tình yêu, hiểu biết những thất bại tâm lý và các nguy hại lâu dài phải gánh chịu nếu vượt qua trái cấm; Giáo dục bạn trai biết tự trọng, tôn trọng bảo vệ bạn gái, có bản lĩnh, biết tự kiềm chế để chứng minh cho một tình yêu lành mạnh nếu nó chớm nở, Giáo dục kỹ năng phòng vệ trước các áp lực nội tại đến từ hai phía, đặc biệt giáo dục kỹ năng phòng vệ cho các em gái, và rất nhiều nội dung khác xoay quanh tâm lý giới tính tuổi mới lớn giúp các em tự tin, tự chủ, tự hoàn thiện nhân cách, tự nhận thức để thay đổi hành vi, vững vàng nói "không" trước cám dỗ của bản năng ở độ tuổi phát dục.