Đàn ông có sự độc lập và sự độc lập này khiến tình cảm của họ với phụ nữ có những biểu hiện kỳ quặc mà đa số phụ nữ không hiểu.
Khi yêu, phụ nữ muốn hai người thân mật đến như hòa nhập vào nhau, nhưng trong tình trạng này, đàn ông lại cảm thấy bị đánh mất mình, anh ta sẽ hoang mang và có những biểu hiện chống trả sự "nô dịch".
Nhưng tất nhiên, chỉ sau đó ít lâu, anh ta lại có nhu cầu thân mật. Thế là có một sự dao động giữa nhu cầu độc lập và thân mật, cứ luân phiên nhau thành một chu kỳ tự nhiên. Và ở giữa hai chu kỳ ấy là một khoảng lắng dài ngắn khác nhau tùy thuộc từng người.
Những người đàn ông có sự độc lập cao, người đam mê sáng tạo sẽ càng hay chủng chẳng như vậy.
Cũng có người đi tìm người khác nhưng ít lâu sau, chị ấy lại nhận ra những biểu hiện cũ.
Cũng có người tìm được người đàn ông phụ thuộc vào mình, nhưng hoá ra tính độc lập đồng nghĩa với sự mạnh mẽ của anh ta lại yếu. Một bi kịch mới nảy sinh.
Khi chưa biết tình cảm đàn ông có tính dao động xung quanh trục tình cảm gần gũi và tính độc lập của họ, người phụ nữ thường phản ứng theo hai cách khác nhau.
Thứ nhất là bám sát khi anh ta muốn tách ra. Anh muốn đi dã ngoại tìm cảm hứng sáng tác, chị cũng đòi đi theo. Anh muốn ngồi uống bia với bạn, vợ đòi chuyển tất cả cuộc nhậu đó về nhà. Tình huống này sẽ gây khó chịu cho người đàn ông và khiến anh ta trở nên lầm lỳ hoặc thậm chí cáu gắt. Nhưng người bức xúc hơn là phụ nữ, họ sẵn sàng hét toáng lên: "Tại sao anh lại đối xử với em như vậy?". Họ có thể muốn đối thoại làm cho ra nhẽ. Nhưng điều đó chỉ càng làm cho phản ứng của đàn ông mạnh lên. Điều khôn ngoan là hãy để kệ anh ta một thời gian với sự độc lập có phần ngạo mạn của anh ta.
Kiểu phản ứng thứ hai là: Khi người yêu/chồng chìm đắm trong cảm hứng độc lập, người phụ nữ lánh ra xa, trong sự hờn giận. Khi người đàn ông của họ bắt đầu muốn gần gũi yêu thương, họ quay lại trừng phạt bằng cách từ chối sự gần gũi thể xác hoặc bắt đầu tranh cãi và xả stress cho thỏa cơn giận.
Điều đáng lưu ý là người đàn ông trong bối cảnh này gần như hoàn toàn không hiểu mình đã gây ra những gì, anh ta sẽ sốc và hiểu tình cảm của bạn "có vấn đề", bạn là người thiếu chia sẻ...vv và vv...
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, sự gần gũi quá lâu đều gây bức bối cho cả hai, nhưng với đàn ông thì nhiều hơn. Bi kịch thường xảy ra với những cặp làm cùng trong một lĩnh vực hoặc tệ hơn là làm cùng cơ quan. Lời khuyên là thỉnh thoảng phải xa nhau và nên làm những việc khác với bạn bè hoặc gia đình mình. Lò xo không nên nén quá mà nên được giãn ra thích hợp.
Từ hiện tượng đàn hồi tình cảm trên đây, các nhà tâm lý học hiện đại cho rằng sự hoà hợp và say đắm của những mối tình ngoài hôn nhân là hoàn toàn có thể giải thích được. Hoá ra bí quyết chủ yếu là ở chỗ họ chưa hoặc không sống gần nhau. Lúc này, việc gần rồi lại xa cách cộng với tình cảm sẵn có khiến cho mọi việc thật lãng mạn. Công thức của mối quan hệ này là: Cảm xúc dồn nén (thiếu hụt) + tự do (độc lập) - trách nhiệm đời thường.
Nhưng nếu có cơ hội để hai người đó chung sống hẳn thì có khi chính họ lại không thể chịu nổi nhau.