Nói lời chia tay đôi khi là cả một vấn đề nhạy cảm mà không phải ai cũng biết cách xử trí hoàn hảo.
Chuẩn bị kỹ các tình huống
Rất khó có thể đoán được phản ứng các chàng khi nghe lời chia tay. Có người sẽ im lặng từ đầu đến cuối, có người sẽ gào khóc, có người sẽ rên rỉ van nài quay lại, có người sẽ bình tĩnh đòi phân tích trắng đen rõ ràng, có chàng sẽ đập bàn, nổi điên, và có chàng lẳng lặng tìm cách trả thù…
Nói chung, để không rơi vào tình huống lúng túng, ngượng ngập hoặc những hành động, lời nói quá dở hơi trong giây phút quan trọng ấy, các nàng phải hiểu rõ bản tính của người mình yêu trước đây mà có động thái phù hợp.
Tránh trường hợp ứng xử quá phũ phàng đổ thêm dầu vào lửa khiến chàng trai tức giận, dẫn đến thù hận và những hành động bột phát như giết người yêu rồi tự tử, tự làm đau bản thân mình, cưỡng bức cô gái...
Thái độ dứt khoát
Nhiều cô nàng ngại nói lời chia tay nên có những thái độ không rõ ràng như:
- Mình tạm xa nhau một thời gian anh nhé!
- Vì sao? (Mặt nghiêm trọng)
- À… ừ
- Em hết yêu Anh phải không?
- À… Không… mà vì…
- Vì sao hả? (Đôi mắt như ăn tươi nuốt sống)
- (Sợ hãi) Ừ thì tại em cần một không gian riêng….
Hoặc kịch bản có thể là chàng trai năn nỉ ỉ ôi và cô gái yếu lòng không dám đưa ra lí do thật.
Thật ra trong lòng cô nàng biết rõ là mình đã hết yêu nhưng vẫn không dám nói thẳng sợ chàng trai đau. Nhưng chính thái độ mập mờ, tạo hy vọng, khiến chàng trai trông chờ một ngày em sẽ quay về này mới chính là liều thuốc độc. Sau này khi cô nàng yêu một người khác thì sẽ bị khép tội là “bắt cá hai tay”, “phản bội”…
Không lấy lí do gây tranh cãi
Khi tiếp nhận lời chia tay, có vài chàng trai thường không bình tĩnh và sẽ dùng mọi lí lẽ để khiến các nàng quay đầu là bờ. Chính vì vậy, chắc chắn các chàng sẽ luôn hỏi “Vì sao?”. Nếu cô gái sơ sẩy lấy những lí do quá ngớ ngẩn, chung chung hoặc không rõ ràng sẽ dễ dàng bị các chàng vặn lại.
Hoặc nếu lấy lí do quá nhạy cảm sẽ khiến các chàng tức giận mà làm ầm ĩ như “Em nghĩ mình không hợp nhau”, “Em nghĩ anh không còn giống như em tưởng tượng lúc mới gặp nhau”, “Em muốn nhường anh cho người khác mang lại nhiều hạnh phúc hơn cho anh” blabla… hoặc tệ nhất là lí do “Em đã yêu một người khác!”.
Nói chung, đơn giản chia tay vì hết yêu. “Lúc trước em yêu anh nhiều lắm. Nhưng giờ tình cảm đã cạn thì cho nhau lối đi riêng. Không phải vì anh có lỗi hay em thích người khác. Mà chỉ là không còn cảm giác yêu thôi.”
Lịch sự và đối mặt trực tiếp
Và cuối cùng, nếu cô nàng vẫn muốn cái kết có hậu cho cuộc chia tay thì phải tỏ thái độ lịch sự và nhã nhặn. Không ai mang tin dữ đến cho người khác với một thái độ cộc cằn, khó chịu và xấu xí cả.
vẫn có nhiều cô nàng nói lời chia tay mà như tát vào mặt người khác “Em chia tay vì em không thích anh chút nào cả. Bây giờ anh nhạt nhách, nông cạn và chán lắm!”, hoặc “Em chia tay vì anh không còn giống như ngày xưa chứ không phải do em hết yêu” và họ đổ tội đối phương là nguồn gốc của mọi lí do chia tay. Điều này thật hèn hạ.
Dĩ nhiên, tuy khó thật nhưng một cái hẹn gặp trực tiếp vẫn luôn cần thiết và tỏ ra tôn trọng hơn ngàn lần việc nhắn tin, gửi mail, gửi thư hay chat chit này kia.
Chọn địa điểm thích hợp
Một lời chia tay chớp nhoáng, một cái tin nhắn, một cuộc điện thoại. Hay một câu nói vội vàng trước cơ quan đều không phải là một cách thức phù hợp để chia tay trong êm đẹp.
Hãy chọn một địa điểm thích hợp, yên tĩnh và có không gian thoải mái để đối phương có thể cảm thấy được tôn trọng đủ và dễ dàng tiếp nhận tin sét đánh mà các nàng sắp sửa nói ra. Đôi khi con gái hay ngại giáp mặt để nói chia tay vì sợ yếu mềm, sợ không thể cất lời.
Những nơi chốn xô bồ, ồn ào quá đều không thích hợp.