Những người phản ứng với tình huống căng thẳng bằng sự giận dữ hay phẫn nộ sẽ có sự tự chủ và lạc quan tốt hơn, so với những người chỉ biết sợ sệt.
Nhà tâm lý Jennifer Lerner tại Đại học Carnegie Mellon, Mỹ, đã tiến hành một nghiên cứu trong đó gây khó dễ cho 92 sinh viên bằng cách yêu cầu họ đếm ngược lại các con số cách nhau 13 đơn vị, bắt đầu từ một số lẻ như 6.233. Các sinh viên phải đếm càng nhanh càng tốt. Mỗi lần nói sai lại phải bắt đầu lại từ đầu.
Video camera ghi lại biểu hiện khuôn mặt của người chơi, thay đổi từ rạng rỡ tới vô cùng bực bội. Các nhà nghiên cứu phân biệt phản ứng sợ hãi, giận dữ và phẫn nộ bằng một hệ thống giải mã cử động cơ trên khuôn mặt. Họ cũng ghi lại huyết áp, nhịp tim và hàm lượng hoóc môn stress cortisol.
Những người mà khuôn mặt thể hiện nỗi lo sợ có huyết áp và hàm lượng hormone stress cao hơn những người khác. Kết quả ở nam và nữ là như nhau.
Trước đó, Lerner cũng đã nghiên cứu phản ứng của người Mỹ trước cuộc khủng bố hôm 11/9 và tìm thấy sự giận dữ tạo ra cảm giác tự chủ và chắc chắn ở chủ thể. Những người phản ứng giận dữ thì lạc quan hơn về các mối nguy hiểm và thích giải pháp mạnh tay trước khủng bố.
Như vậy trong những tình huống gây phẫn nộ thì sự giận dữ không phải là một điều xấu. Thực tế nó là một cách thích nghi và là một phản ứng lành mạnh hơn nỗi sợ. Tuy nhiên sự giận dữ thường xuyên hay cái nhìn thù địch với thế giới vẫn là điều không tốt, gây ra bệnh tim và huyết áp cao.
M.T. (theo Livescience)