hôn nhân thất bại thường đem lại tâm lý chán nản, mệt mỏi và sợ hãi cho hai người trong cuộc khi họ có ý định "đi bước nữa". Có bao nhiêu rào cản khiến chị em phải nghĩ ngợi đến mệt mỏi để rồi không ít người bỏ lỡ mất cơ hội tái hôn.
Tuy nhiên cũng có nhiều người đã vượt qua được trở ngại đầu tiên nhưng rồi khi tái hôn, họ đã vấp phải bao nhiêu khó khăn khiến họ hoang mang, lúng túng.
Không ít người tái hôn lại buộc phải ly hôn để phải chịu cái tiếng: bỏ vợ (chồng) được một lần thành quen, dễ bỏ lần thứ 2, thứ 3... Trong khi đó, là người trong cuộc bạn đâu có muốn thế? Bạn chỉ mong cuộc sống hôn nhân sau của bạn sẽ được trọn vẹn hơn, hạnh phúc hơn.
Đừng bao giờ đồng ý tái hôn nếu hai trái tim không cùng một nhịp đập
Nói cách khác nếu bạn và người ấy chưa có được tình yêu với nhau, thứ keo cần thiết nhất để gắn kết hai bạn lại với nhau thì đừng vội vàng đi đến tái hôn. Thường thì nhiều chị em lý giải việc tái hôn của mình như sau:
"Thôi thì cho có người đàn ông trong nhà làm trụ cột mà nương tựa"; cảnh "mẹ góa" con côi tội lắm; "Để có chỗ dựa về kinh tế". Thậm chí có người còn nói thẳng ra rằng: "Để cho thằng chồng cũ nó sáng mắt ra: Nó bỏ mình thì mình còn lấy được người hơn nó". Thật nguy hiểm và sai lầm hết sức khi lý do tái hôn của bạn là như thế.
Hãy nói chuyện thẳng thắn và sòng phẳng với "người ta" về cuộc hôn nhân trước
Thường thì đối tượng đến với bạn đã biết khá rõ về "tiểu sử" cuộc hôn nhân trước của bạn. Nhưng người ta biết là một chuyện, còn việc bạn phải cởi mở với người ta tất cả lại là một chuyện khác.
Khi đó bạn nhớ đừng nói về người chồng cũ với thái độ cay cú, thù nghịch và hằn học. Bạn cần bình tĩnh và đánh giá một cách khách quan mọi chuyện. Bạn càng khách quan bao nhiêu thì càng khiến người sẽ chấp nhận tái hôn với bạn tôn trọng bạn hơn.
Khi đã cởi mở hết mọi chuyện, bạn đừng quên yêu cầu người ấy đừng bắt bạn phải nhắc lại, phải nhớ lại chuyện này nữa. Đó là một nguyên tắc rất cần thiết với bạn đấy.
Đừng bao giờ còn những tơ vương về người cũ
Khi có điều gì không bằng lòng, người phụ nữ tái hôn rất dễ nhớ về quá khứ rồi đem người chồng mới ra so sánh với người chồng cũ. Thậm chí có người còn không giấu giếm nói ra miệng là anh ấy ngày xưa không như thế này, thế kia... Nhất là việc nếu buộc phải quan hệ với người cũ (vì hai người đã có con chung với nhau) thì ứng xử, thái độ của bạn phải hết sức đúng mực.
Khi bạn có những xử sự trên mức cần thiết, có những thái độ tình cảm thiếu "minh bạch" với người cũ chính là bạn đã gây nên sự tổn thương, sự nghi kỵ cho người chồng mới. Và chẳng ai đoán trước được những điều không hay gì sẽ xảy ra.
Cách ứng xử với con cái của cả hai người
Hoặc có thể chỉ là với con riêng của anh ấy, con riêng của bạn đều phải có cách cư xử thật đàng hoàng trên cơ sở phải coi con anh ấy cũng như con của bạn, cũng không được quá thiên vị con riêng của bạn. Vấn đề này thường đem lại nhiều trở ngại nhất cho các đôi vợ chồng tái hôn.
Nhưng suy cho cùng, chẳng qua cũng chỉ tại người trong cuộc không vượt qua được sự hẹp hòi trong tình cảm của mình, một mặt quá thiên vị con mình, mặt khác lại quá thờ ơ, thiếu quan tâm đến con của anh ấy mà ra.
Vấn đề kinh tế giữa hai người cũng hết sức nhạy cảm
Trước hết bạn đừng quá quan tâm đến tài chính của anh ấy mà bạn phải có ý thức tự lập, chủ động về vấn đề này. Đừng tỏ ra quá thu vén hoặc "mõi" túi tiền của người ấy. Vì điều này dễ làm mất mát tình cảm giữa hai người nhất. Hãy chân thật, vô tư và thực sự bạn không quá quan tâm đến túi tiền của anh ấy, tức khắc anh ấy sẽ phải nể phục và tôn trọng bạn.
(Theo phụ nữ)