Trong mối quan hệ gia đình, có những điều tưởng như rất vụn vặt và không đáng để ý nhưng trên thực tế lại chính là nguyên nhân gây rạn nứt tình cảm vợ chồng.
Quên những ngày quan trọng
Sai sót này nhiều khi có thể chính là do nếp sống của gia đình mỗi người từ khi chúng ta còn nhỏ. Việc cha mẹ bạn có thói quen tổ chức những lễ kỷ niệm lớn cho các dịp sinh nhật, các ngày kỷ niệm hoặc ngày lễ khác của gia đình hay không là điều hết sức quan trọng. Ví dụ, gia đình bạn có thói quen này nhưng gia đình chồng bạn lại khác. Anh ấy lớn lên trong một gia đình mà hầu như không ai chú ý lắm đến những ngày kỷ niệm quan trọng. Vì thế, có thể không phải anh ấy quên ngày kỷ niệm của hai bạn, nhưng anh ấy không có thói quen tổ chức nó như kiểu bạn vẫn làm khi còn sống với bố mẹ mình.
“Đây là một kỹ năng mà chúng ta có thể học thông qua thực hành và trao đổi với nhau về kỳ vọng của mỗi người”, tiến sĩ Gordon chia sẻ. Ngoài ra, việc sử dụng một cuốn lịch chung và bạn đánh dấu những sự kiện quan trọng lên đó cũng sẽ mang lại những chuyển biến tích cực.
Không ai nói “chào” hay “tạm biệt”
Một lần nữa, thói quen này cũng có thể do môi trường sống của gia đình bạn, do những gì bạn thấy trong cách ứng xử của bố mẹ mình. Bố mẹ bạn có giống như hai con tàu đi qua nhau trong đêm tối, đến và đi mà không nói với nhau một lời chào như “hẹn gặp lại sau”? Hành vi này ăn sâu vào suy nghĩ của bạn và bạn sẽ làm như thế khi đã trưởng thành và có gia đình riêng. Hơn thế nữa, rất nhiều cặp vợ chồng còn tự làm mất thói quen chào hỏi hoặc ôm/hôn nhau mỗi khi đi làm về do họ bị phân tâm bởi những thứ nhỏ nhặt như kiểm tra thư trên điện thoại.
Trong trường hợp này, hãy “lập trình” lại chính mình: “Khi bước chân vào cửa, hãy trở thành con người của gia đình”, Gordon chia sẻ. “Những phẩm chất chu đáo và âu yếm này vô cùng quan trọng cho cả bạn, bạn đời của bạn và con cái của bạn”.
Không thể hiện đủ tình yêu thương
Đây là một ví dụ khác về việc học hỏi qua ví dụ. Nếu bạn muốn nhận được nhiều sự quan tâm, yêu thương hơn từ bạn đời của mình thì bản thân bạn phải bắt đầu khuyến khích anh ấy bằng những cách nhỏ. Ví dụ, hãy nắm tay nhau khi xem tivi hoặc khi đi dạo ở đâu đó.
Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy sự “xa cách” trong tình cảm của hai người theo những cách khác thì sự thiếu quan tâm và yêu thương có thể là dấu hiệu của điều gì đó sâu xa hơn và cần phải được giải quyết sớm, tiến sĩ Gordon khuyên.
Không liên lạc với nhau trong cả ngày
Việc bạn và bạn đời không gửi thư, nhắn tin hay gọi điện cho nhau trong cả ngày dài khi hai người đang làm việc có là điều gì đáng báo động? “Những người khác nhau có những kỳ vọng khác nhau đối với việc này. Điều mà chúng ta thực sự quan tâm đó là giá trị của mỗi người và điều gì là quan trọng đối với họ. Nếu chồng bạn không có thói quen gọi điện cho bạn thì hãy nói chuyện với anh ấy về việc này. Và nếu nguyên nhân là do công việc không cho phép thì hãy thông cảm với anh ấy”, TS Gordon chia sẻ.
Còn nếu nguyên nhân là do anh ấy không nhận thức được rằng điều đó rất quan trọng đối với bạn thì hãy cùng nhau thảo luận và định ra một khoảng thời gian hợp lý trong ngày để thể hiện sự quan tâm dành cho nhau.
Can thiệp quá sâu
Chồng bạn để mở tài khoản Facebook trên laptop. Và bạn có nhấp vào xem anh ấy đã nhắn tin cho ai không? Dù vợ chồng bạn không có gì giấu diếm nhau nhưng hai bạn có thể có những quan điểm khác nhau về ranh giới cá nhân liên quan đến những thứ như email và facebook. “Đó là sự xâm phạm 'khoảng trời riêng' của mỗi cá nhân”, Gordon giải thích.
Nếu bản thân người có hành vi quá tò mò này không nhận thức được sự sai trái trong hành động của mình thì đây có thể là vấn đề về lòng tin. Vì thế, hãy hỏi bạn đời là tại sao họ lại làm thế; và giải thích cho họ hiểu đây là vấn đề về không gian và ranh giới của mỗi cá nhân chứ không phải là bạn đang che giấu điều gì đó.
Châm chọc
Bản thân bạn có thể thấy những gì mình nói và cách mình nói nghe thật hài hước. Tuy nhiên, bạn đời của bạn thì lại có thể giải nghĩa giọng điệu chua cay và sắc bén của bạn theo một cách hoàn toàn khác. “Tôi từng nghe một câu nói rằng trong mỗi lời châm chọc luôn hàm chứa một sự thật”, tiến sĩ Gordon chia sẻ. “Tôi khuyên các cặp vợ chồng không nên sử dụng kiểu nói này”.
Sự châm chọc mỉa mai cũng có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn. Khi sự châm chọc là nhằm mục đích hạ thấp hoặc xúc phạm ai đó thì nó có thể cho thấy những vấn đề liên quan đến tính cách cần được “xử lý”.
Chia sẻ quá nhiều trên mạng xã hội
Việc bạn là người hướng nội hay hướng ngoại sẽ ảnh hưởng đến cảm nhận và đánh giá của bạn về các ranh giới truyền thông xã hội. Một người hướng nội có thể thấy cực kỳ bị xúc phạm và khó chịu khi những vấn đề riêng tư của đôi lứa bị “phơi bày” trước chốn đông người. Tuy nhiên, những người hướng ngoại lại không thể hiểu nổi tại sao việc họ “show” những đống quần áo bẩn cần giặt trên mạng xã hội lại là điều quá nghiêm trọng. “Nếu đó là tình huống của bạn thì chỉ cần nói cho bạn đời của mình hiểu rằng bạn không muốn những điều như thế được mang ra chia sẻ trên mạng xã hội”, tiến sĩ Gordon khuyến khích.
Việc nhà
Những tranh cãi nho nhỏ, ví dụ như đến lượt ai rửa bát, trên thực tế chính là những xung đột giữa các kiểu tính cách khác nhau. Theo tiến sĩ Karyn Gordon, chuyên gia tư vấn chuyện tình yêu, hôn nhân, và gia đình (Mỹ) thì có tới 16 loại tính cách khác nhau; và chỉ một nửa trong số này là những người thích và quan tâm nhiều đến việc tổ chức, sắp xếp và sự sạch sẽ.
Và tính cách đối lập thường có sức hút với nhau nên có thể xảy ra tình trạng là trong một cặp đôi thì người này cực kỳ gọn gàng trong khi người kia lại không hề có bất kỳ khái niệm nào về việc dọn dẹp. Trong trường hợp đó, “hãy giải thích với bạn đời rằng sự sạch sẽ là điều vô cùng quan trọng với bạn; còn bản thân bạn cũng nên hiểu rằng điều đó không hề quan trọng với họ”, Gordon khuyên. Ngoài ra, hãy hướng dẫn để “đối phương” biết họ cần làm gì và bình tĩnh giải thích cho họ biết vì sao đối với bạn, sự sạch sẽ lại là ưu tiên hàng đầu.
Luôn làm điều bạn muốn và ngược lại
Vấn đề này đôi khi chỉ đơn giản là do mỗi người thường có chương trình và kế hoạch của riêng mình. Ví dụ, bạn có thể lên kế hoạch cho một buổi tụ tập với hội thích đọc sách trong khi đó lại là thời gian làm việc của bạn đời, và bạn thậm chí không hề biết điều đó. Hay anh ấy lại đi chơi với bạn bè vào ngày thứ sáu mà không biết rằng bạn muốn hai người cùng nhau làm việc gì đó….
Trong trường hợp này, điều quan trọng là hai người phải nói chuyện trực tiếp với nhau, đồng thời giải thích rõ cho nhau biết tại sao mình lại cảm thấy bị coi thường bởi quyết định của “đối phương”. Nếu không, tình trạng này dần dần có thể dẫn đến những hành vi và thái độ hung hăng, thụ động và thậm chí là oán giận nhau. “Bạn đời của chúng ta cần phải cảm thấy họ được coi trọng”, tiến sĩ Gordon chia sẻ. “Khi họ cảm thấy bị đe dọa và không được coi trọng, họ sẽ trở nên lệ thuộc và tuyệt vọng”.