Thiếu giao tiếp là một trong những lý do các cặp tan vỡ. Những cách nói chuyện kiểu ‘ăn thua’ hay luôn chỉ trích, ngắt lời bạn đời, dùng từ thô tục cũng khiến nhiều đôi dắt nhau ra tòa.
Bạn thử kiểm tra xem vợ chồng mình có thói quen xấu nào dưới đây khi tranh luận với nhau không, và tự điều chỉnh nhé. Theo Yourtango, nếu không thay đổi, những kiểu giao tiếp này có thể phá hoại hạnh phúc lứa đôi.
Thái độ ăn thua
Giao tiếp hiệu quả là khi thông điệp của bạn không chỉ đơn giản là gửi đi mà còn chuyển đến đúng chỗ và được người nghe tiếp nhận. Khi nói chuyện về những đề tài không dễ chịu, người ta thường rất dễ phán xét, bực bội và có thái độ phòng thủ - tất cả khiến cho sự giao tiếp bị phá hỏng.
Hiếu thắng là một thái độ đáng sợ với những cử chỉ kèm theo như lấy tay chỉ mặt, vạch lỗi và cố gắng để mình là người nói cuối cùng có tính quyết định, chiến thắng. Thay vào đó, hãy dành sự chú ý của bạn vào việc bạn muốn cuộc đối thoại này đi đến đâu, làm sao để cả hai cùng thắng và dành thời gian để thực sự suy nghĩ về những khả năng và kết quả khác nhau. vợ chồng có thể cùng thỏa thuận với nhau là khi tranh luận điều gì, dù gay gắt thế nào cũng cần giữ sự tôn trọng, chân thành dành cho nhau.
Ngắt lời ‘nửa kia’ hay nói liến thoắng hết cả phần người khác
Kiểu giao tiếp này rất dễ trở thành hệ thống. Khi bạn đã nói như vậy một lần, bạn rất có thể làm thế lần thứ hai và tiếp nữa. Đừng ngắt lời và hãy để người khác có thời gian đưa ra câu trả lời.
Đàn ông thường phàn nàn rằng họ vẫn nghĩ về một câu trả lời trong khi nửa kia của họ thì đã bắt đầu thúc giục họ phải đáp lại nhanh hơn hoặc yêu cầu một câu hỏi khác. Bạn cần thời gian để dừng lại bằng cách đếm tới 30 trước khi nói về điều gì đó và đừng hỏi vài câu một lúc. Và khi bạn làm thế hãy thực hiện câu ngạn ngữ của Pháp: uốn lưỡi 7 lần trước khi nói.
Điều này ít nhất làm nửa kia cảm thấy họ được tôn trọng và biết rằng bạn kiên nhẫn dành thời gian đợi họ phản hồi.
Tập trung vào mặt tiêu cực và tỏ ra thiếu lịch sự
Luôn cằn nhằn những tật xấu của bạn đời, dùng những từ ngữ thô tục, mỉa mai… sẽ khiến “nửa kia” cảm thấy bị xúc phạm và chẳng muốn thảo luận về bất kỳ vấn đề gì nữa. Đây cũng là cách ăn mòn tình cảm rất nhanh và đẩy hai người càng ngày càng xa nhau.
Không trung thực
Bao nhiêu lần bạn bắt mình phải nói “có” trong khi thực sự bạn nghĩ là “không”. Bạn nói “Em không biết” vì sợ bị đánh giá, bị từ chối.... Khi chúng ta cố chấp nhận những thứ không như mình muốn, gạt đi mọi cảm xúc thực để giữ hòa khí thì chúng ta cũng tự dằn sự tức giận và ấm ức của mình xuống.
Điều này chỉ chứng tỏ bạn lừa dối cảm giác của mình và không tin tưởng rằng “nửa kia” đủ trưởng thành để làm chủ phản ứng của họ. Tốt hơn nên nói “Em/anh chưa sẵn sàng nói về điều này ngay bây giờ. Em/anh cần thư giãn và nghĩ thêm. Chúng ta sẽ nói chuyện này trong một giờ nữa”, sau đó nhớ giữ lời hứa.
Vô lý
Hầu hết giao tiếp của chúng ta là phi ngôn ngữ và khi nó không đồng bộ với từ ngữ, chúng ta thường gửi đi những thông điệp lẫn lộn. Điều này khiến các cặp vợ chồng gây chuyện tranh luận, trở nên thất vọng, thậm chí cố gắng “sửa lưng” nhau.
Khi chúng ta nói về một điều gì đó trong khi lại đảo mắt, hay mím chặt môi hoặc nhún vai thì chúng ta gửi đi một thông điệp khác, thường là sự châm chọc, phòng thủ hoặc phán xét “nửa kia”.
Một cách để tránh điều này là giữ tương tác mắt. Điều này đảm bảo cho sự lắng nghe tích cực và cho phép bạn thảo luận về cái người khác nói thay vì nghĩ về những gì bạn định nói tiếp.