Mỗi một quan hệ đôi lứa có những điểm độc đáo riêng. Xác định các hình mẫu đối tác có thể giúp bạn bảo vệ và xây dựng mối quan hệ hài hòa hơn. Các nhà tâm lý nói rằng, bằng cách xác định các mẫu hình đối tác, bạn và người ấy có thể có mối quan hệ hạnh phúc hơn vì sự hiểu biết về nhau và có khả năng hiểu nhu cầu của đối tác mình hơn.
Nhà tư vấn về quan hệ Val Sampson cho biết hình thức nuôi nấng dạy dỗ của cha mẹ như thế nào cũng ảnh hưởng đến mẫu quan hệ của hai người. "Trẻ em tiếp nhận rất nhiều thông tin từ cha mẹ và gia đình. Do đó tính cách và cách giáo dục của cha mẹ thời thơ ấu ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành vi của một người ở tuổi trưởng thành", Val Sampson giải thích.
Dưới đây là 6 mẫu hình vợ chồng và cách cư xử của họ, theo tờ Kompas đăng tải.
Kiểu cặp đôi Thần tượng và Người hâm mộ
"Mọi thứ cứ như màu đen và màu trắng đối lập đối với các cặp vợ chồng kiểu này", Quilliam cho biết. "Một người tốt và tuyệt vời trong tất cả mọi mặt, và người còn lại rất ngưỡng mộ người đó", Quilliam cho biết thêm.
Trong thực tế, cả hai vợ chồng này đều có thể thành công. Tuy nhiên, một bên là ở vị trí của người luôn khen ngợi, nâng cao lòng tự trọng và tự tin của đối tác. Ở một số cặp vợ chồng, người đóng vai "Thần tượng" này sẽ khuyến khích đối tác của họ, sẽ nói với "Người hâm mộ" rằng người này không bao giờ có thể tìm thấy ai khác đáng yêu như đối tác của mình.
Loại mối quan hệ của cặp vợ chồng kiểu này có xu hướng ngắn ngủi, bởi vì họ không biết cách phát triển. Khi những "Người hâm mộ" không còn thể hiện thái độ tôn thờ "Thần tượng" nữa, thần tượng sẽ dễ dàng nói "Anh/ em không còn tôn trọng tôi nữa, vì vậy tôi sẽ tìm một người khác có thể đánh giá đúng về tôi", Quilliam đưa ra ví dụ.
Mẫu cặp đôi kiểu Chơi ú tim
Các cặp loại này luân phiên thực hiện các vai như người cần và người được người khác cần. Nếu bạn đang ở trong vị trí theo đuổi người khác, thì người kia sẽ giữ khoảng cách của mình. Ngược lại, nếu người kia ở vị trí theo đuổi bạn, bạn sẽ có thái độ ngược lại, bởi vì bản cảm thấy mình được cần đến.
"Một người giả vờ không quan tâm, nhưng thực tế là người còn lại thực sự thưởng thức niềm vui đó. Họ thay phiên nhau đóng vai người cần và người được cần… Cả hai người không muốn đối tác của họ biết họ cần người đó, Susan Quilliam giải thích, và cuối cùng, những cặp đôi kiểu này mỗi người đều có thể đi trên con đường riêng của họ trong cuộc sống, độc lập và tự chủ trong cuộc sống của họ, nhưng vẫn thực hiện cam kết đầy đủ với người bạn đời.
Cặp đôi kiểu Bố mẹ- con cái
Cặp vợ chồng đối xử với nhau với sự quan tâm lớn như của người cha người mẹ đối với con cái. "Họ cảm thấy có trách nhiệm chăm sóc cho đối tác của mình", Val Sampson cho biết.
Kiểu cặp đôi này thường bắt đầu có những kinh nghiệm vợ chồng nhiều hơn sau khi có con. Hoặc nếu một trong hai người thuộc dạng ốm yếu, yếu thế, ví dụ như hay đau ốm hoặc bị mất việc làm.
"Cặp đôi kiểu này đóng vai diễn cuộc đời như người cha người mẹ dành sự quan tâm cho con, và họ cảm thấy họ có mục đích sống," Susan Quilliam giải thích. Khi đối tác hành động như con trẻ và sự tự trọng, tự tin kém hơn thì người còn lại ở vị trí kiểm soát, ví dụ như kiểm soát môi trường làm việc… "Trong thực tế, việc nuôi dạy không chỉ là chăm sóc và quan tâm, mà còn là sự kiểm soát", Quilliam cho biết.
Kiểu Người bảo vệ
Mẫu đối tác có tính cách kiểu này luôn luôn chia sẻ trong mọi sự như ý kiến, sở thích, và thậm chí cả quần áo. "Hai cá nhân này cảm thấy thoải mái và an toàn vì có điểm chung", Susan Quilliam cho biết.
Quilliam cho biết thêm, họ có thể đã bị tổn thương do các mối quan hệ trong quá khứ. Vì vậy, rằng họ cảm thấy bằng nhiều cách cần phải tìm thấy điểm chung để có được một cảm giác an toàn.
Cặp đôi loại này rất tập trung sự quan tâm đối với nhau, khiến người ngoài rất khó thâm nhập vào cuộc sống của họ. Họ gây ấn tượng rất hợp với nhau và bảo vệ nhau, tuy nhiên mối quan hệ kiểu này được cho là thiếu "gia vị", thiếu "lửa".
Kiểu Người lớn
Cặp đôi kiểu này thời nay thực hiện kiểu quan hệ mang tính chức năng. Các cặp loại này có xu hướng tối thiểu được xung đột và không bận tâm đến sự khác biệt của người kia.
"Họ rất nhạy cảm và có khả năng thích nghi với nhau tốt. Họ có ấn tượng là cặp đôi lý tưởng, nhưng cũng phải cảnh giác," Quilliam nói.
Kiểu cặp đôi này không bao giờ thực hiện điều gì đó một cách hồn nhiên, tự nhiên hay làm điều gì đó có tính thách thức". "Quan hệ của họ có xu hướng bình an và có ít bất ổn," nhà tư vấn nói thêm.
Mẫu hình Chó và Mèo
Kiểu vợ chồng này thường tranh luận rất nhiều, thậm chí ở cả những nơi công cộng. "Đây là loại cặp vợ chồng thậm chí có thể hét vào mặt nhau trước mặt người khác. Kiểu tranh luận của họ như một thói quen… Nhưng họ không lấy lý do tranh luận như một cái cớ để chia tay", nhà tâm lý Avi Shmueli giải thích.
Cặp vợ chồng mẫu hình này hấp dẫn nhau vì họ cùng thưởng thức chu kỳ tranh luận, cãi vã. Bắt đầu từ chỗ đấu khẩu cho đến khi mọi thứ tốt lên. Thông thường khi mọi việc đã tốt lên, cả hai cùng tận hưởng đam mê "chuyện ấy" một cách nồng nàn, tự nhiên.
Khó khăn lớn nhất ở cặp đôi kiểu này là khi một trong hai người ngoại tình hoặc phản bội. "Mối quan hệ này trở nên tan tác đổ vỡ. Tranh cãi xảy ra gây ra sự khó chịu và kiểu cặp vợ chồng kiểu này chia tay thường không mấy vui vẻ", nhà tâm lý học tư vấn về quan hệ Susan Quilliam cho biết.