Khi có xung đột với bạn đời, bạn thuộc phong cách nào? Thường xuyên đợi đối phương phải xin lỗi trước, trở nên hiếu thắng đến tiêu cực hay đơn giản là im lặng trước mọi điều nửa kia nói?
1. “Phong cách” cãi cọ nguy hiểm nhất
Hẳn nhiên, các cặp đôi trong cơn cãi vã lôi tên nhau ra chửi hoặc gán cho vợ chồng các đại từ “thằng” nọ “con” kia rất dễ đưa nhau ra tòa. Song nghiên cứu còn tìm ra rằng, một trong những cách tranh cãi tệ nhất là khi người này cố gắng đối mặt với xung đột một cách rất có tính xây dựng (ví dụ bình tĩnh nói chuyện để gỡ rối, lắng nghe quan điểm của người kia) trong khi người kia lại bỏ đi, rút lui khỏi cuộc tranh luận.
Mô tuýp cãi vã này có ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuổi thọ hôn nhân bởi lẽ, những người vợ/chồng đang cố gắng đối mặt với xung đột sẽ nhìn nhận thói quen bỏ đi của đối tác là thiếu đầu tư cho mối quan hệ chứ không phải một cách làm dịu tình hình hay lấy lại bình tĩnh.
Cũng theo nghiên cứu, các cặp đôi cùng có chiến lược tích cực để giải quyết xung đột có tỉ lệ ly hôn thấp hơn.
2. Đàn ông luôn khác đàn bà
Dù lúc mới cưới, đàn bà có xu hướng buông xuôi, rút lui, bỏ đi khỏi cuộc tranh luận nhiều hơn, theo thời gian, họ lại chính là người dễ sử dụng các biện pháp đối mặt với tranh luận với tính thần xây dựng hơn cả.
Đàn ông trái lại, lúc nào cũng một kiểu trong suốt cuộc hôn nhân.
Ý kiến chuyên gia cho rằng, các mối quan hệ cũng như chất lượng các mối quan hệ dường như tập trung vào cuộc sống của người phụ nữ nhiều hơn là của đàn ông. Vì lẽ đó, trải qua năm tháng hôn nhân, phụ nữ dễ nhận ra rút lui khỏi mội cuộc tranh luận với bạn đời hay sử dụng các biện pháp tiêu cực không mang lại gì ngoài những ảnh hưởng xấu cho hôn nhân của họ.
3. Những cuộc cãi vã năm đầu tiên không dự đoán được khả năng li dị
Trong số những người tham gia nghiên cứu có 29%các ông chồng và 21% các bà vợ không hề tranh cãi với bạn đời trong vòng 1 năm đầu tiên của cuộc hôn nhân. Song có đến 46% các cặp đôi li dị ở năm chung sống thứ 16.
Một điều thú vị là, dù các cặp đôi có cãi nhau ở năm chung sống thứ nhất hay không cũng chẳng ảnh hưởng gì đến kết cục cuối cùng của họ khi nghiên cứu kết thúc.