Ngày nay, có vẻ như người ta có khuynh hướng chậm kết hôn. Thống kê ở Mỹ năm 2009 ghi nhận có 46,3% người trưởng thành chưa từng kết hôn.
Đây là tỷ lệ giảm đáng kể so với thời hoàng kim của hôn nhân ở đất nước này (lúc đó có đến 72% người trên 18 tuổi kết hôn). Tuy nhiên, mới đây, các điều tra dân số ở Mỹ cho thấy, tuy người ta chậm kết hôn nhưng “tuổi thọ” hôn nhân đang tăng.
Theo kết quả điều tra dân số vừa công bố giữa tháng 5/2010, cứ ba trong bốn cặp kết hôn sau thập niên 1990 đã tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày cưới. Tỷ lệ này tăng 3% so với các cặp kết hôn trong đầu thập niên 1980 - là giai đoạn có tỷ lệ ly hôn tăng cao nhất tại Mỹ.
Các nhà nhân khẩu học và xã hội học chuyên nghiên cứu về gia đình lý giải, một trong những lý do khiến tuổi thọ hôn nhân tăng hơn trước là do người ta ngày càng kết hôn muộn hơn so với thế hệ cha ông - họ thường kết hôn sau khi đã hoàn tất việc học hành và bắt đầu có sự nghiệp. Nhờ vậy, họ không chỉ trưởng thành mà còn có sự an toàn về tài chính. Andrew Cherlin, nhà xã hội học làm việc tại Đại học Johns Hopkins cho biết: “Ngày nay, hôn nhân bền vững dựa trên ngân quỹ gia đình có đến hai nguồn thu nhập, thay vì theo mô hình truyền thống là chỉ một người làm trụ cột gia đình phải lao vào kiếm tiền, còn người kia chuyên tâm làm việc nhà”.
Các nhà nghiên cứu cũng tìm ra mối liên hệ giữa hôn nhân và trình độ văn hóa. Trong năm 2009, 31% cô dâu ở Mỹ có trình độ tốt nghiệp cao đẳng trở lên, nghĩa là tăng 10% so với năm 1996. Giám đốc dự án hôn nhân quốc gia của Đại học Virginia, W.Bradford Wilcox đánh giá: “Trong xã hội ngày nay, hôn nhân trở thành sự chọn lọc kỹ lưỡng hơn trước nhiều. Những người có bằng đại học trở lên, có thu nhập tốt hơn thì mạnh dạn kết hôn và dễ duy trì hôn nhân hơn. Những ai chưa có nền tảng ổn định như thế, sớm kết hôn sẽ gặp nguy cơ ly hôn cao hơn”. Nghiên cứu của dự án hôn nhân quốc gia cho thấy: trong 10 năm đầu hôn nhân, người có trình độ văn hóa dưới cao đẳng phải chịu nguy cơ ly hôn cao gấp ba lần so với người có trình độ cao hơn.
Theo một thống kê có quy mô quốc gia ở Mỹ, hơn một nửa số cặp vợ chồng đang bên nhau ít nhất 15 năm, khoảng 1/3 trong số các cặp được thống kê đã là vợ chồng được 25 năm và 6% đã duy trì hôn nhân hơn 50 năm. Tom Ruggieri gặp bạn đời của mình ở trường đại học, họ kết hôn được 30 năm.
Trong gia đình ông, hôn nhân bền vững đã thành truyền thống, cha mẹ của ông lấy nhau được 65 năm, còn cha mẹ vợ của ông cũng có 55 năm bên nhau. Ông Ruggieri cho biết: “Kiểu mẫu gia đình có ảnh hưởng lớn. Những ai lớn lên trong một gia đình có bố mẹ đã ly hôn sẽ dễ nhìn hôn nhân theo hướng nếu vợ chồng bất đồng và không tìm được tiếng nói chung thì dễ dàng chấm dứt hôn nhân. Trong khi đó, đời sống vợ chồng làm sao tránh khỏi bất đồng”.
Kết quả điều tra dân số trên cũng ghi nhận: Gần 1/3 số người trưởng thành chưa từng kết hôn, và số lượng người độc thân có khuynh hướng tăng ở các độ tuổi khác nhau trong 15 năm qua. Năm 1986, có 1/4 số người từ 25-29 tuổi chưa kết hôn, nhưng đến năm 2009, mỗi lứa tuổi được khảo sát đều có gần một nửa số người trong lứa tuổi ấy chưa hề lập gia đình. Đặc biệt, ở nhóm 50 - 54, tỷ lệ người chưa bao giờ kết hôn tăng gấp 10 lần cũng trong cùng giai đoạn từ 1986 đến 2009.