Theo Womenhealth, đôi khi bạn cảm thấy yêu bạn trai hoặc chồng mình đến mức điên cuồng muốn cắn yêu vào tai anh ấy, lúc khác bạn lại căm ghét đến mức muốn đấm cho anh ta gẫy răng.
Đó là vì trong bộ não của bạn có một bộ phận vừa chịu trách nhiệm kích hoạt những tình cảm sướt mướt lại vừa chịu trách nhiệm thổi bùng lên những cơn thịnh nộ ngút ngàn. Điều này giúp giải thích tại sao ngay cả các cặp đôi hạnh phúc được sinh ra để dành cho nhau cũng vẫn cứ cãi cọ với nhau hết lần này tới lần khác.
Khẩu chiến có thể là một dấu hiệu cho thấy hôn nhân của bạn rất vững chắc và cũng đầy đam mê. Bạn có thể thoải mái thốt ra những lời lẽ không mấy tích cực mà không sợ mất nhau. Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào cũng như vậy. Có nhiều cách khác nhau để giải quyết những tranh cãi bất tận, chúng ta thử lắng nghe lời khuyên của các chuyên gia nhé.
Đừng cố phân định thắng thua
Tuyên bố phần thắng thuộc về ai liệu có còn ý nghĩa khi một trong hai vợ chồng lảo đảo trở về phòng ngủ, tay nắm chặt trái tim đã bị tổn thương. Người ta thường phải phân định rạch ròi ai đúng ai sai mà quên đi việc tìm kiếm một giải pháp.
Xung đột được giải quyết một cách nhanh chóng và thành công hơn khi không bên nào đắc thắng tuyên bố những câu kiểu như: “Thấy chưa? Em/Anh đúng."
Ai đúng ai sai không quan trọng, quan trọng là mâu thuẫn đã được giải quyết ổn thỏa và êm đẹp mà cả đôi bên đều cảm thấy thoải mái. Khẳng định mình chiến thắng nhưng người kia không tâm phục khẩu phục thì coi như bạn vẫn là kẻ thất bại. Tính hiếu thắng là một trong những tính cách mà không ai có thể ưa nổi.
Hãy nhớ rằng hai bạn là vợ chồng
Đây quả là một yêu cầu quá cao nhưng nếu bạn có thể bày tỏ những cảm xúc tích cực trong khi đang tranh cãi, bạn sẽ có một mối cuộc hôn nhân bền chặt khiến bạn hài lòng.
Là vợ chồng có thể biểu lộ tình cảm gần gũi, yêu thương nhau (ví dụ hôn nhẹ lên tay hoặc má), thậm chí mang cả sự hài hước vào trong những trận khẩu chiến thì tác động của những ngôn từ cay nghiệt sẽ được giảm bớt. Hãy nhớ rằng hai người là vợ chồng, yêu thương nhau và muốn gắn bó với nhau ngay cả trong những thời điểm đang tức giận ngút ngàn.
Thậm chí bạn có thể tiến xa hơn bằng cách kết hợp những chiêu trò trêu ghẹo vui đùa, gọi nhau bằng những biệt danh hài hước chẳng hạn. Các cặp vợ chồng biết nhẹ nhàng trêu chọc nhau trong những lúc xung đột cảm thấy thương yêu người bạn đời của mình hơn sau khi sóng gió qua đi.
Lắng nghe chứ không phải lên tiếng
Nếu bạn thấy mình cứ nói mãi, nói hoài tưởng như không có điểm dừng giống như một bài hát được đặt ở chế độ tua lại thì hãy mau chóng nhấn ngay nút tạm dừng.
Những cặp đôi không hạnh phúc có xu hướng nói nhiều, nhắc đi nhắc lại ý muốn chủ quan của mình một cách tuyệt vọng cốt buộc đối phương phải lắng nghe.
Hành động này không phát huy tác dụng. Họ ra sức tranh phần được nói, đôi co, ăn miếng trả miếng đối phương thay vì lắng nghe và kết quả là làm cho đối phương mệt mỏi, chán ngán hoặc đôi khi là nổi điên lên khiến cho xung đột càng leo thang.
Kiểm soát chặt chẽ phát ngôn
Khi tranh cãi đạt đến cao trào, người ta thường không kiềm chế được, những lời lăng mạ nặng nề đã được thốt ra, tình cảm đã bị rạn nứt, tổn thương, không gì có thể hàn gắn được.
Bạn cần phải giảm thiểu tác động tiêu cực từ những phát ngôn của mình. Hãy nhớ rằng, mục tiêu của bạn không phải là nói ra những lời làm người khác bị tổn thương mà là nói ra để hiểu nhau để giải quyết bất đồng.
Vì vậy, thay vì la lên: "Sao anh lười quá vậy!" hãy nói cho anh ấy biết hành động của anh ấy ảnh hưởng tới bạn như thế nào. Hãy thử nói:" Em mệt mỏi khi cứ phải làm hết mọi việc rồi, đôi khi em muốn anh gánh vác bớt công việc cho em."
Tuyệt đối tránh xa những lời lẽ dễ làm tổn thương cái tôi của nhau chẳng hạn như xúc phạm nhau, gọi nhau là đồ ngu, chê bai nhau ăn ở bẩn thỉu hoặc kém cỏi trên giường.