Phàm là đàn bà thì ai cũng ghen, cũng mang không ít thì nhiều dòng máu ‘hoạn thư’ trong người. Có điều, cơn ‘tam bành’ ở mỗi người lại khác nhau.
Vì thế nên mới có chuyện, cùng là một cơn ghen đấy thôi, vậy mà sao, người này thì được chồng yêu, chồng quý hơn, biết ‘sợ’ hơn, kẻ khác thì lại phải ngậm đắng nuốt cay khi ‘chuốc họa vào thân’ còn chồng thì vẫn ngang nhiên đi lại với kẻ khác.
Khi chồng có tín hiệu bất thường, hoặc có những dấu hiệu ‘tí toáy’ với người đàn bà khác, dù chỉ là trong tư tưởng thôi, chị em cũng đã phải suy nghĩ nhiều lắm. Và từ những suy nghĩ kiểu ‘đàn bà’ đó, họ đã lên kế hoạch tác chiến nhằm vạch mặt ‘kẻ địch’ và làm cho mọi chuyện ‘ra ánh sáng’ đến cùng.
Thôi thì, đủ mọi kiểu ghen, kiểu ‘bắt thóp’ được đưa ra, có người thì ‘đay tận mặt, ray tận trán’, có người thì chì chiết, người khác lại suy diễn và theo dõi… tất tật đều là nhằm để đức ông chồng yêu quý ‘lộ nguyên hình’. Thế nhưng, cũng có không ít bà vợ, lại ngọt nhạt theo kiểu mà người ta vẫn gọi là ‘thảo mai, thảo mách’, và xem ra, những cách này lại mang đến những hiệu quả không ngờ.
Chồng à, em xin lỗi!
Đầu năm, cuối năm, là dịp mà các thuê bao điện thoại nhận được nhiều tin nhắn nhất. Tin nhắn chúc mừng, cảm ơn, rủ này rủ kia, đủ cả. Và trông hàng xa số những kiểu tin nhắn đó, không ít những tin nhắn được ‘ngụy trang’ rất khéo, dưới cái mác khách hàng hay đồng nghiệp. Vì thế, đó cũng là điều dễ hiểu khi mà cuối năm và đầu năm lại là dịp, các cặp vợ chồng ‘buông nhau’ nhiều nhất. Nếu xuề xòa, thì những kiểu tin nhắn đó sẽ vượt qua một cách trót lọt, còn nếu không, nó sẽ khiến không ít người đứng ngồi không yên.
Ngày cuối năm, chị Hoàng bận rộn biết bao việc, vậy mà chị vẫn không quên việc ‘để mắt’ đến điện thoại của chồng. Có dấu hiệu gì khả nghi, là chị cho ‘ra ngô ra khoai ngay’ không tư lự, nhưng cách của chị, thì rõ là đặc biệt lắm nhé.
Chả là, một hôm, chị đang lúi húi chuẩn bị đưa con đi nhà trẻ, thì nghe thấy điện thoại của chồng báo có tín nhắn. Lật đật chạy lại bên chiếc điện thoại, chị mở ra đọc ngay tranh thủ lúc chồng đang bận mặc quần áo trên nhà. Một dòng chữ mùi mẫn hiện lên khiến chị nóng ran hết mặt mày: Chào anh, em chúc ngày một ngày làm việc vv. Có thật nhiều may mắn, anh nhé!
Cách ghen "thảo mai" đôi khi đem lại những hiệu quả bất ngờ (Ảnh minh họa)
Nghe tiếng bước chân chồng đi xuống, chị vội vàng cho máy vào chỗ cũ và vờ như không hề hay biết gì cả. Đến cơ quan, khi mấy anh chàng đã yên bề gia thất vừa ló mặt, chị đã vội ‘mở ngay một hội nghị bàn tròn’. Mục đích của nó là khai thác và phân tích, đánh giá về dòng tin nhắn kia. Phàm thì những kiểu tin nhắn bất thường như thế ở máy chồng chị không nhiều, nhưng lần này, xem ra có vẻ ‘mùi’ lắm.
Kết quả sau 1 tiếng ‘hội họp’ và liên tục bị ngắt quãng, chị đã đi đến được thống nhất: Mức độ tình cảm của dòng tin nhắn kia cho thấy, nó mới chỉ ở độ mới chớm, vậy nên mới có câu ‘Chào anh’ là vì thế. Vì lẽ đó, chị nảy ra ý định ‘dập tắt ngay’ khi nó mới bắt đầu nhen nhóm. Nhưng khốn nỗi, các đồng nghiệp, chỉ có thể phân tích cho chị hiểu, chứ nào ai dám ‘mách nước’ cho chị phải làm thế nào. Nghĩ chị sẽ im lặng, vậy thôi. Ngờ đâu, cuộc điện thoại của chị, làm tất thảy lũ đàn ông trong phòng phải ‘bật ngửa’.
Chả là, thấy chị đang trầm tư suy nghĩ, mọi người cũng không bàn ra tán vào nữa. Bỗng đâu, một giọng ngọt như mía quen thuộc đến vậy cất lên phá tan đi sự trầm mặc:
- Chồng àh, anh đang làm gì đấy. Vợ gọi điện là để xin lỗi chồng. Sáng nay, vợ đã trót đụng đến sự riêng tư của chồng khi đọc tin nhắn đến. Nhưng vội quá nên không kịp báo lại để chồng biết. Giờ vãn việc mới nhớ ra. Thôi thì, chồng cho vợ xin lỗi nhé, lần sau, vợ sẽ không đọc nữa. À, mà quên mất, vợ xin lỗi trước, sau là muốn báo chồng biết có tin nhắn để chồng nhắn lại, không có cô em ấy lại chờ. Thôi thế chồng nhé, vợ làm việc đã.
Nói xong, chị dập máy, khiến tất cả những người đã biết chuyện cũng phải ‘mắt tròn mắt dẹt’.
Cơm nay ngon, chồng ăn nhiều nhé!
Những tưởng sau cú điện thoại đó, về nhà chị Hoàng sẽ ‘đe nẹt’ chồng để lấy oai. Nhưng mọi chuyện lại xoay hướng 180 độ. Thay vì ‘mặt sưng mày sỉa’, tỏ vẻ đắc thắng khi sáng nay thấy vẻ lóng ngóng trong cách nói chuyện của anh, chị lại bình thường hóa mọi chuyện như chưa có chuyện gì… xảy ra.
Đã không đả động đến tin nhắn lúc sáng thì thôi, chị lại còn tất bật sửa soạn cơm canh ngon lành hơn mọi bữa. Đến bữa cơm, không chú ý đến sự thắc mắc hay thái độ ‘nghi nghi’ của chồng, chị vẫn vui vẻ huyên thuyên như mọi khi, lại còn thúc chồng: Cơm nay, em nấu đúng món mà anh thích nhất đấy, anh ăn cho ngon vào nhé.
Đã không đả động đến tin nhắn lúc sáng thì thôi, chị lại còn tất bật sửa soạn cơm canh ngon lành hơn mọi bữa... (Ảnh minh họa)
Sau bữa cơm, chị vẫn không chút gì tỏ ra là khó chịu, càng không tra hỏi, không cằn nhằn, lại còn vui vẻ chuyện cơ quan, tí tách bên đứa con nhỏ như mọi tối, khiến anh cứ như ‘gà mắc tóc’, không biết phải nói gì.
Đàn ông có tật thì giật mình, mà không có thì trước những lời đánh tiếng của vợ như vậy không ít thì nhiều, cũng cứ gọi là ‘giật mình thon thót’. Thà như, chị cứ ‘bù lu bù loa lên’, anh còn đỡ ngại, đằng nay, chị vẫn như không, lại còn tỏ ta tâm lí hơn mọi bữa nữa chứ. Điều này, khiến anh dù có ý định hay không, chắc cũng phải lắc đầu chịu thua: Thôi thì, vợ đã hiểu và hành xử như thế, ta cũng phải sống sao cho trọn nghĩa, trọn tình.
Quả nhiên, tối hôm đó, anh đã ôm vợ vào lòng, và khẽ khàng thốt lên một câu xin lỗi. Dù không có gì thật, nhưng ít nhiều nó cũng gây trong chị nỗi ngờ vực nào đó. Có điều, chị đã đi trước anh một bước khi xử sự đúng mực, thì anh cũng phải tỏ ra mình là đàn ông. Lẽ nào, cứ im lặng rồi cho qua như thế.
Sự việc vốn giản đơn vậy, mà nhiều khi, không ít chị em lại để mình lầm lối.