Đàn ông ngay cả những người rất tốt cũng thường xuyên làm cho vợ bực mình. Đừng vội kết tội cố ý cho chàng. Đơn giản là vì bộ não đàn ông hoạt động khác với bộ não phụ nữ. Vì vậy, thay vì cằn nhằn tại sao bạn không nhắc nhở để chàng cư xử tốt hơn?
Nói chuyện điện thoại cộc lốc
Đa số đàn ông xem điện thoại chỉ là một phương tiện để truyền đạt thông tin. Một cuộc điện thoại của những người đàn ông với nhau thường chỉ gồm vài câu. "Tối nay đi nhậu chứ! Mấy giờ? 7h30. Ừ, thế nhé".
Trong khi đó, phụ nữ lại muốn những cuộc điện thoại kéo dài hơn và thân mật hơn vì họ thường chú ý đến cách giao tiếp hơn là nội dung cuộc gọi. Trong trường hợp này, hãy giải thích để ông xã hiểu rằng cúp điện thoại quá nhanh có thể khiến người khác tổn thương mặc dù chàng không cố ý.
Không lắng nghe người khác
Những lúc gặp khó khăn, và bạn muốn chia sẻ với chồng để được an ủi. Nhưng với đầu óc thực dụng, chàng lại nghĩ rằng bạn đang cần một giải pháp. Thế là thay vì nhẫn nại ngồi nghe bạn tâm sự, chàng lại thao thao bất tuyệt về những giải pháp và rất lấy làm tự hào vì nghĩ rằng mình đang san sẻ gánh nặng với vợ. Trong khi thực tế điều đó chỉ làm vợ thêm rối trí.
Hãy giải thích rằng bạn cảm kích với lời đề nghị giúp đỡ của chàng nhưng tất cả những gì bạn muốn là sự đồng cảm và bạn đưa ra hướng giải quyết của mình.
Im lặng giải quyết khó khăn một mình
Khi gặp rắc rối, đàn ông thường âm thầm cố gắng tự giải quyết và không muốn cho vợ biết vì sợ vợ lo lắng. Trong trường hợp này, hãy cho chàng biết rằng bạn sẽ thấy thoải mái hơn nếu không phải đoán già đoán non về những gì đang xảy ra. Vợ bạn sẽ rất hạnh phúc nếu được tin tưởng, được cùng chàng vượt qua thử thách.
Không chịu nhận sai
Đàn ông là chúa tự phụ và bảo thủ. Chồng bạn chắc cũng không ngoại lệ. Dù chỉ là một vấn đề "nhỏ như con thỏ" là lạc đường, bạn sẽ thấy là chàng đừng hòng chịu mở miệng ra hỏi. Chàng sợ thú nhận thất bại sẽ làm hoen ố hình ảnh "người hùng". Để chàng không khó xử, đôi khi bạn phải âm thầm sửa chữa những sai lầm của chàng. Nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế. Còn về lâu dài, tốt nhất là đừng chế giễu hay nhắc đi nhắc lại những thất bại của chồng. Hãy làm cho chàng hiểu rằng ai cũng có thể sai và bạn sẽ yêu chàng hơn nếu chàng dũng cảm đối diện với sai lầm của mình.
Ngắm những phụ nữ khác
Thị giác của đàn ông không tốt như của phụ nữ. Điều này giải thích vì sao khi hai vợ chồng gặp nhau, một người phụ nữ đẹp đi ngang qua, chàng sẽ quay đầu lại để nhìn theo cô ấy. Đơn giản là chàng không nhận thức rõ được điều mình làm. Trong khi đó, dù bạn có liếc mắt qua hàng tá những anh chàng bảnh trai, bạn cũng sẽ đủ tế nhị để không ai phát hiện ra hành động đó. Vậy thay vì khó chịu và cho rằng chồng có thói trăng hoa, tại sao không truyền cho chàng bí quyết của bạn?
Đơn giản và thẳng thắn "đáng ghét"
"Anh đi đá bóng với anh Hoàng thứ 7 này nhé". Anh ấy hỏi ý kiến của bạn mà quên rằng thứ 7 này cả nhà sẽ về bên ngoại. Điều làm bạn khó xử là Hoàng cũng có mặt ngay ở đó. Chàng cứ nghĩ rằng bạn sẽ trả lời thật lòng để chàng từ chối bạn. Nhưng đó chỉ là cách nghĩ của đàn ông. Còn phụ nữ thường bao giờ cũng đủ tế nhị để không làm chồng mất mặt trước bạn bè và ngậm ngùi bỏ qua kế hoạch của mình.
Thế đấy, đàn ông đôi khi bộc tuệch và thẳng thắn đến "đáng ghét". Để không bị thiệt thòi trong những tình huống như trên, tốt nhất là tập cho chồng thói quen không bàn việc nhà trước mặt khách. Như vậy, bạn có thể thoải mái yêu sách này nọ mà không cần giữ ý.
Không chia sẻ
Khi bạn hỏi chồng về những việc đã xảy ra với chàng trong ngày, câu trả lời thường xuyên sẽ là "bình thường". Ngoại trừ những dịp rất đặc biệt, còn nói chung thì đối với đàn ông, trăm ngày như một, đều là "bình thường". Trong khi bạn lại rất háo hức muốn biết chàng đã đi với ai, đã làm gì, thậm chí đã ăn món gì trong bữa trưa. Một câu trả lời "bình thường" đối với chàng là đủ nhưng đối với bạn là sự hụt hẫng.
Để thỏa mãn trí tò mò "rất phụ nữ" và cũng "rất đáng tôn trọng" của mình, bạn nên chủ động là người chia sẻ những chuyện thường ngày với chàng. Đồng thời, liên tục đặt câu hỏi về những chuyện tương tự với chàng để chàng quen dần với việc lắng nghe vợ và kể cho vợ nghe.
(Theo Khoa Học & Đời Sống)