Mỗi tháng bà trả lương cho anh tài xế 1 triệu đồng, với điều kiện cung cấp cho bà những “phi vụ” ngoài công việc kinh doanh của ông An. Mấy tháng đầu bà Nguyệt Minh phá được nhiều “trọng án”, ngăn chặn kịp thời những cuộc gặp gỡ của ông chồng với các “mối kinh doanh” là các cô gái trẻ đẹp. Qua một phép thử, ông An biết ngay người đang theo dõi mình chính là anh tài xế. Ông không đuổi việc anh mà “tương kế, tựu kế”, trả lương thêm cho anh 2 triệu. Vậy là bà Nguyệt Minh luôn được nghe những thông tin phấn khởi: “Dạo này ổng hết mấy vụ đó rồi chị ơi, tiếp khách làm ăn không hà...”.Còn chị Thái, một công chức, lại có “chiêu” sử dụng cậu con trai mới lên 7 làm “ăngten” bởi biết chồng rất cưng con trai. Một hôm chị được quí tử mật báo: “Con nghe ba hẹn điện thoại với cô nào ở quán cà phê đó...”. Chị Thái vội lên đường đến đúng địa chỉ mật báo, đúng là có xe của chồng dựng trong bãi xe, nhưng không chỉ một cô gái mà có rất nhiều người đang ngồi chung bàn với ông chồng. Đó là bạn bè cùng phòng kinh doanh trong công ty của ông, đang bàn bạc chương trình kinh doanh mới. Chị Thái ấp úng: “Tôi đi mua... cà phê sữa cho... con”. Tội nghiệp thằng bé, làm thế chỉ vì sợ mẹ không cho tiền ăn sáng.Đó chỉ là một trong 1.001 trường hợp mà chuyên viên tư vấn hôn nhân và gia đình tiếp nhận được từ những mẩu chuyện mà họ gọi là hội chứng“cảnh sát chìm” trong những mái ấm. Thường thì “nghiệp vụ” của các bà vợ chỉ dừng lại ở việc điều tra tìm chứng cứ mà không hề xét hỏi. Đây cũng là khâu mà các ông chồng coi là “hành vi khủng bố và không thể chấp nhận được”.Trong một cuộc khảo sát nhỏ của Trung tâm tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình (Hội LHTN VN), với gần 100 cô gái, bà vợ tham gia trả lời câu hỏi “Cần điều gì nhất ở người bạn đời?”, hầu hết đều chọn “sự chung thủy”. Những người tham gia khảo sát còn cho rằng lòng chung thủy phải hết sức cụ thể. Có nghĩa là một ông chồng không được có mùi nước hoa lạ, không liếc qua liếc lại ngoài đường. Những hành vi như đọc tin nhắn xong rồi xóa ngay, về trễ không rõ lý do, hay nhắc tên một cô gái trước mặt vợ... đều được xem là “thiếu sự chung thủy”!
Nhưng theo anh Dũng, chồng chị Thái: “Cô ấy làm vậy là làm hư con và xúc phạm tôi. Đâu phải việc gì ở công ty cũng phải về kể hết cho cô ấy. Chưa kể sau hôm “bắt ghen” hụt, nhân viên đâm ra xem thường tôi, còn thằng bé cứ ám ảnh cha nó không đàng hoàng...”. Còn ông An thì thú nhận: “Tôi biết việc mình làm là sai, nhưng đôi lúc áp lực công việc cao tôi cũng muốn giảm stress. Nếu bà ấy nói với tôi một tiếng tôi sẽ tự thú, đằng này lại đi thuê chính lái xe của tôi, tôi làm thế cho bà ấy biết mặt...”. Chuyên gia tâm lý cho lời khuyên: “Chẳng ông chồng nào muốn sống chung với vợ có máu điều tra. Sự chia sẻ, thẳng thắn với những gì chưa rõ ràng trong cuộc sống vợ chồng luôn làm cho hai người hiểu nhau hơn. Thậm chí cùng nhau điều chỉnh những quan niệm sống lệch lạc cũng là một giải pháp tốt hơn là việc âm thầm “điều tra” sáng tỏ “trắng - đen” vô tình tạo thêm áp lực cho nhau. Và nhiều đôi vợ chồng cũng đã xa nhau chỉ vì nổi máu “cảnh sát chìm”... Tuổi trẻ