Hoạt động sáng tạo chẳng những mang lại sự thoả mãn trong sở thích cá nhân nhưng cũng có thể dẫn tới những vấn đề tâm lý. Sự thú vị ấy luôn phải trả giá bằng trạng thái căng thẳng (stress) mãn tính và sự phiền phức trong gia đình.
Các nhà xã hội học trường Đại học Toronto (Canada) đã điều tra trên 1.200 người làm những nghề nghiệp đòi hỏi luôn luôn phải có sáng tạo, đầu óc lúc nào cũng bị ám ảnh bởi công việc đề nghị họ trả lời những câu hỏi "Bạn có hình dung ra công việc của mình sẽ tiến triển ra sao không?", "Bạn có thường giải quyết được vấn đề mình đặt ra không?", "Công việc có cho phép bạn phát huy được hết khả năng của mình không?"…
Kết quả cho thấy những người làm các nghề sáng tạo luôn luôn phải chịu sức ép cực lớn, thường xuyên cảm thấy công viêc vượt quá khả năng của mình, đầu óc dường như không có lúc nào rảnh rỗi.
Số những cuộc điện thoại, thư điện tử, nhắn tin… không chỉ trong mà ngoài giờ làm việc nhiều gấp bội so với người làm nghề khác. Họ phải biết cách điều hoà, phối hợp công việc chuyên môn với chuyện gia đình nhưng không mấy thành công. Thường xuyên xảy ra những mâu thuẫn giữa cuộc sống cá nhân, tình cảm gia đình với trách nhiệm và áp lực của công việc.
Những người làm công việc sáng tạo làm việc gần như không tính đến thời gian, dù không muốn thì vẫn cứ phải nghĩ đến công việc khi ở nhà, có nghĩa là công việc "chiếm lĩnh" họ không chỉ giới hạn ở giờ hành chính, thậm chí họ tiếp tục suy nghĩ cả trong khi ngủ, có thể nói cả 24giờ trong ngày.
Theo các chuyên gia xã hội học, chính những thời điểm bị stress như vậy họ lại ít đạt được kết quả nhưng chính nó tạo điều kiện để nảy nở những ý tưởng sáng tạo và đón nhận nếu chúng bật ra trong những lúc bất ngờ nhất.
Nhân loại phải biết ơn những con người lúc nào cũng bận rộn này vì nếu không có họ thì sẽ không có tiến bộ. Họ bận đến nỗi chưa có thời gian để nghĩ đến một quy trình làm việc như thế nào để có hiệu quả hơn, trước mắt để tránh những cơn stress mạn tính thường xuyên hành hạ những người làm nghề này.