Những người dễ bị xấu hổ bối rối thường là những người đáng tin, lãng mạn và chung thủy. Đây là kết quả nghiên cứu mới nhất vừa được các nhà khoa học công bố.
Đối với nhiều người, dễ xấu hổ, bối rối là một nhược điểm khiến họ tự ti. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu vừa được công bố gần đây của các nhà khoa học, sự bối rối của bạn đôi khi chính là ưu điểm khiến người khác cảm thấy bạn là người đáng tin cậy.
"Sự xấu hổ, lúng túng của ai đó là một trong những dấu hiệu cảm xúc cho thấy bạn có thể ủy thác những sáng kiến, ý tưởng có giá trị cho họ", Robb Willer, một nhà nghiên cứu tâm lý học xã hội tại Đại học California, Berkeley khẳng định trong một nghiên cứu gần đây của mình. Theo ông, đó là một phần của "chất gắn kết xã hội" có khả năng nuôi dưỡng sự tin tưởng và hợp tác trong cuộc sống hàng ngày.
Được biết, để có thể đưa ra được kết luận trên, các chuyên gia nghiên cứu từ Đại học California Berkeley đã tiến hành một loạt thử nghiệm sử dụng video, các trò chơi về sự tin tưởng và các cuộc điều tra xã hội... để đánh giá mối quan hệ giữa sự bối rối và "tính xã hội".
Trong thí nghiệm đầu tiên, các nhà nghiên cứu yêu cầu 60 sinh viên đại học kể lại khoảnh khắc lúng túng của họ, chẳng hạn như "xì hơi" nơi công cộng hay đánh giá nhầm ai đó qua vẻ bề ngoài (như nhầm một phụ nữ béo phì mang thai hoặc cho rằng một người nhếch nhác là một gã ăn mày...) và ghi hình lại. Dựa trên video ghi hình các sinh viên này, chuyên gia nghiên cứu đánh giá được mức độ xấu hổ của các thành viên tham dự. Qua đó, họ xác định được, cử chỉ tiêu biểu nhất của sự bối rối là nhìn xuống một bên, đôi khi che mặt một phần, cười vô thức hoặc tỏ vẻ nhăn nhó.
Ở một thí nghiệm khác, sử dụng trò chơi về sự tin tưởng, các nhà khoa học cho các sinh viên tham gia vào một trò chơi mang tên "trò chơi độc tài" để "đo" lòng vị tha của họ. Theo đó, mỗi người tham gia được giao 10 vé xổ số và được yêu cầu giữ một phần vé, phần còn lại đưa cho một đối tác. Những người thể hiện sự hào phóng khi cho đi phần hơn vé xổ số của họ, hóa ra lại là những người biểu thị mức độ xấu hổ, lúng túng cao hơn những người khác trong video trước đó.
Trong thí nghiệm thứ 3, người tham gia được yêu cầu nhận xét về một người đàn ông từng nhận được điểm số hoàn hảo trong một cuộc kiểm tra. Do là một diễn viên được đào tạo từ trước nên trước mặt một số người, người diễn viên phản ứng với "thông tin về sự hoàn hảo của mình" bằng sự xấu hổ. Trong khi ở trước mặt người khác, anh ta lại trả lời bằng niềm tự hào. Các ứng viên tham gia sau đó sẽ được "đo" lòng tin vào người diễn viên kia.
Tất cả các kết quả cho thấy, người xấu hổ là người được đánh giá là đáng tin cậy hơn.
"Mức độ trung bình của sự bối rối là dấu hiệu của đức hạnh" - đây là kết luận của nhà nghiên cứu Matthew Feinberg, một nghiên cứu sinh tâm lý học. Ông phân tích, "Dữ liệu của chúng tôi cho thấy bối rối là một điểm tốt chứ không phải là điều chúng ta nên chiến đấu để loại bỏ".
Theo chuyên gia này, những người xấu hổ không chỉ được xem là đáng tin cậy hơn mà còn có nhiều khả năng là những người bạn tốt hơn và có thể là người yêu lãng mạn. Theo nghiên cứu, các đối tượng dễ bị xấu hổ, bối rối cũng có mức độ chung thủy cao hơn. Vì vậy, bạn muốn liên kết với họ nhiều hơn. Bạn cảm thấy thoải mái khi tin tưởng họ.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng không nên nhầm lẫn sự e lệ, rụt rè - một dạng của xấu hổ mà họ nghiên cứu với "rối loạn lo lắng" liên quan đến xã hội. Bạn cũng không nên đánh đồng nó với sự tủi thẹn, xấu hổ có liên quan đến những hành động vi phạm nghiêm trọng về đạo đức, chẳng hạn như bị bắt vì lừa đảo, gian lận.