Khi đắm chìm trong tâm trạng buồn chán, con người thường tìm kiếm lợi ích nhỏ trước mắt và bỏ qua những phần thưởng lớn hơn trong tương lai.
Jennifer Lerner, một nhà tâm lý của Đại học Harvard tại Mỹ, cùng các đồng nghiệp tuyển một nhóm người để nghiên cứu tác động của nỗi buồn đối với quyết định tài chính. Trong một thử nghiệm, họ chia tình nguyện viên thành ba nhóm. Một nhóm xem video về cái chết của một thầy giáo, một nhóm xem video về nhà vệ sinh bẩn và nhóm còn lại xem video về rạn san hô khổng lồ Great Barrier.
Sau đó nhóm nghiên cứu nói với tình nguyện viên rằng họ sẽ nhận được một khoản tiền thưởng ngay sau khi thử nghiệm kết thúc. Nếu tình nguyện viên không lấy tiền ngay, họ sẽ nhận được khoản tiền lớn hơn trong vài ngày sau và nhóm nghiên cứu sẽ gửi thông tin về số tiền qua thư điện tử.
Kết quả cho thấy những người tình nguyện xem video về cái chết muốn nhận phần tiền thưởng ngay sau khi thử nghiệm kết thúc. Trong khi đó, những người xem video về nhà vệ sinh bẩn và rạn san hô Great Barrier lại sẵn sàng chờ thêm vài ngày để nhận khoản tiền lớn hơn, Livescience đưa tin.
“Những thử nghiệm của chúng tôi, cùng với nhiều phương pháp đánh giá về tâm lý và kinh tế, cho thấy có thể những người đang rơi vào tâm trạng buồn sẽ không suy nghĩ sáng suốt khi đối mặt với những lựa chọn tài chính. Nỗi buồn sẽ khiến con người trở nên thiển cận hơn. Vì thế họ sẵn sàng từ bỏ những lợi ích lớn hơn trong tương lai để đổi lấy cảm giác mãn nguyện, vui vẻ ngay lập tức”, Lerner bình luận.
Lerner cho rằng đây là phát hiện có ý nghĩa đối với nhiều lĩnh vực như đầu tư bất động sản hay quản lý thẻ tín dụng.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy cảm giác buồn sau cái chết của một người thân trong gia đình có thể khiến con người muốn dùng tiền để hưởng thụ thay vì đầu tư. Nếu hiểu được xu hướng đó, chúng ta có thể ngăn chặn nhiều vấn đề kinh tế trong bối cảnh mức độ phụ thuộc vào thẻ tín dụng của người dân ngày càng tăng”, Lerner khẳng định.