Nguyên nhân khiến chị em bị ngứa "vùng kín" nhiều khi không phải do mất vệ sinh mà có thể do quá sạch sẽ hoặc stress gây ra.
Thực ra, khá nhiều chị em hay phải đối mặt với tình trạng ngứa "vùng kín" cho dù bản thân vốn là người sạch sẽ. Tình trạng này kéo dài không những gây khó chịu, mất tự nhiên mà còn khiến chị em lo lắng về bệnh tật.
Những nguyên nhân gây bệnh không ngờ
Hầu hết, phụ nữ đều nghĩ rằng, chỉ khi "vùng kín" bị viêm nhiễm, mất vệ sinh thì mới xuất hiện những cơn ngứa ngáy khó chịu. Điều này cũng đúng. Bởi khi đó, sự cân bằng bên trong "vùng kín" bị phá vỡ, các vi khuẩn gây bệnh phát triển nhanh hơn nên làm cho tình trạng viêm nhiễm trầm trọng hơn, dẫn đến cảm giác ngứa rát, có mùi hôi.
Tuy nhiên, có những chị em bị ngứa "vùng kín" lại không phải do mất vệ sinh mà có thể do quá sạch sẽ hoặc stress gây ra.
Không ít chị em chủ quan và không biết rằng một số hóa chất có trong các sản phẩm dùng thường ngày (băng vệ sinh, dung dịch vệ sinh, xà phòng giặt...) cũng có thể là tác nhân khiến “vùng kín” bị mẩn ngứa, thậm chí bị dị ứng.
stress cũng có thể được coi là nguyên nhân thường xuyên có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của người phụ nữ. Khi gặp stress, các hormone trong cơ thể chị em không còn ổn định, thậm chí có thể rối loạn, khiến nội tiết trong cơ thể thay đổi, dẫn đến tình trạng mẩn ngứa "vùng kín".
Về mùa hè, cơ thể con người dễ trở nên thay đổi dưới nhiệt độ cao nên chị em càng phải chú ý bảo vệ sức khỏe của mình, đặc biệt là sức khỏe giới tính. Bất kì sự thay đổi nào về thể chất cũng như tâm lý đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe giới tính.
Thêm nữa ngứa "vùng kín" còn có thể do những nguyên nhân quan trọng sau đây:
Nhiễm trùng âm đạo: Chị em có thể bị nhiễm trùng âm đạo do dùng thuốc kháng sinh, thuốc đặt âm đạo, quan hệ tình dục không dùng bao cao su, hoặc là do kinh nguyệt, thời kì thai nghén, bệnh tiểu đường, hoặc cũng có thể là do hệ miễn dịch của chị em bị yếu.
Viêm âm đạo: Thông thường hiện tượng viêm âm đạo thường gặp ở những bạn gái chưa có kinh nguyệt. Tuy nhiên, đây cũng là bệnh quan trọng, cần điều trị kịp thời, nếu không bệnh sẽ nặng thêm và chuyển sang nhiễm trùng âm đạo.
Chị em cũng có khả năng bị nhiễm trùng hoặc viêm âm đạo do mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) như: mụn giộp vùng sinh dục, nấm trichomoniasis hoặc bệnh rận mu…
Nguyên tắc cần nhớ khi trị bệnh
Không gãi
Khi vùng da nhạy cảm ở "vùng kín" bị ngứa, theo bản năng bạn sẽ gãi và gãi, nhưng bạn bên ngừng ngay hành động này. "Vùng kín" là nơi thường xuyên bị bí hơi, hấp hơi dẫn đến nóng bức, ẩm ướt sẽ là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn, vi nấm phát triển gây bệnh. Khi gãi, bệnh sẽ không đỡ mà càng lan rộng hơn. Những vết gãi do ngứa này sẽ còn nguy hiểm hơn nếu chúng phát triển thành bệnh viêm nhiễm "vùng kín". Khi ấy, bạn phải được điều trị ngay nếu không sẽ rất nguy hiểm.
Không sử dụng băng vệ sinh hàng ngày thường xuyên
Bạn có biết, dùng băng vệ sinh hằng ngày liên tục cũng là tác nhân gây viêm nhiễm. Vì thế phải bỏ thói quen dùng thường xuyên các sản phẩm này.
Để giữ vệ sinh vùng kín, bạn cần rửa vệ sinh sạch sẽ bằng nguồn nước đảm bảo, không dùng băng vệ sinh thường xuyên. Nếu những ngày đèn đỏ, bạn nên thay miếng băng vệ sinh 4 – 6 tiếng một lần. Với băng vệ sinh hằng ngày cũng không loại trừ tần số thay này. Bởi nếu dùng lâu, sẽ khiến "vùng kín" ẩm ướt, sinh nhiệt và là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn, nấm phát triển.
Quá tin tưởng dung dịch vệ sinh
Một số bạn gái cứ lầm tưởng rằng, dung dịch vệ sinh sẽ giúp "vùng kín" luôn sạch sẽ. Điều này hoàn toàn sai lầm. Ngược lại, trong thành phần thuốc vệ sinh có một số chất sát khuẩn nên dễ làm thay đổi môi trường PH âm đạo, khiến vi khuẩn càng có mầm bệnh phát triển. Do vậy, trước khi dùng bạn gái nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và dùng khi có chỉ định của bác sĩ. Nếu không có bệnh gì, tốt nhất bạn gái chỉ nên dùng nước sạch để vệ sinh "vùng kín" của mình thôi.
Giữ “vùng kín” luôn khô sạch
Để không mắc phải những dị ứng hoặc viêm nhiễm, bạn nên mặc những loại quần thoáng, thấm nước và khô ráo để "vùng kín" không ẩm ướt. Tuyệt đối tránh mặc quần chật, bó và phải thay quần lót thường xuyên. Tắm rửa thường xuyên (nhất là trong thời kỳ kinh nguyệt). Lau khô bằng khăn sạch vùng kín sau mỗi lần đi đại hoặc tiểu tiện bạn nhé.
Đi khám bác sỹ
Bạn đừng nên tự mua thuốc về rửa, thụt, bơm mà không biết loại nào phù hợp với tình trạng bệnh của mình. Điều này sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng cho "vùng kín" của bạn. Vệ sinh chả thấy đâu lại thấy "vùng kín" ngày một có bệnh và bệnh ngày một nặng hơn.
--------------------------------------------------